Có bao giờ bạn nghe thấy, hoặc tự đặt cho mình những câu hỏi, những lời nói như: “Sau này em nên làm gì nhỉ?”“Có việc gì không cần làm quá nhiều mà vẫn tìm ra được nhiều tiền không?”“Công việc này cần người như thế nào?”Hay khi bắt đầu một công việc nào đó, có phải bạn luôn có những chuỗi câu hỏi, những chuỗi than thở rằng mình việc này không hợp với mình, rằng mình không tìm được lối đi đúng đắn cho công việc này, hay thậm chí những lời than thở khi đi thực tập rằng “ma cũ bắt nạt ma mới”,… Dù ở bất kì độ tuổi nào, hẳn là có không ít người đều cảm thấy như thế.Đó là chuỗi câu hỏi chúng ta có thể thấy nhan nhản ngoài kia, hoặc tự đặt cho bản thân mình mỗi ngày, kể từ lúc chúng ta bắt đầu biết phải lo lắng về vấn đề nghề nghiệp tương lai của bản thân mình. Thế nhưng đã có ai tự hỏi mình rằng “Rốt cuộc thì mình hợp với loại công việc nào?” chưa? Vì thế, mình xin nói quyển sách “Đừng làm con chim lạc đàn” của tác giả Lưu Đồng chính là một lời giải đáp cho những vấn đề trên. Mặc dù chính tác giả cũng đã nói, những câu hỏi anh đề cập trong quyển sách này đều là anh được nhận từ mọi người xung quanh, và cách anh giải đáp là dựa trên những kinh nghiệm của chính bản thân mình, chứ chúng không hề đại diện cho “đáp án chính xác”. Thế nhưng trên góc nhìn độc giả, và là một người đang chuẩn bị cho con đường nghề nghiệp của bản thân, mình cảm thấy những câu chuyện, những câu trả lời mà tác giả Lưu Đồng chia sẻ giống như “ánh sáng soi đường” cho mình.Thông thường khi đọc sách, mình rất ngại khi phải đọc phần lời tựa, đặc biệt là những quyển có phần lời tựa khá dài. Vậy mà lần này may mắn thay mình lại không bỏ qua phần lời tựa của “Đừng làm con chim lạc đàn”. Phần lời tựa dài 8 trang, là những chia sẻ của tác giả về tổng quát của quyển sách này (à tất nhiên rồi hầu như lời tựa nào cũng thế mà), về “3232” trong sự nghiệp có tác dụng như thế nào nữa. “3232” theo tác giả giải thích chính là 10 năm đầu trong con đường sự nghiệp của mình, là 4 giai đoạn trong việc quyết định chọn một nghề nghiệp. Ban đầu khi đọc vào, mình cũng khá ngại vì mười năm nghe rất dài, nhưng sau khi đọc xong mình lại nghĩ, dùng mười năm để chọn được một nghề nghiệp cho bản thân gắn bó và phát triển hơn nữa thì cũng rất đáng giá đấy chứ. Đúng vậy, đây chính là một quyển sách nói về 4 giai đoạn mà một người muốn giữ vững bản thân trong một ngành nghề nào đó cần phải trải qua, được tác giả gọi là “3232”. Thế nhưng vì sao tác giả lại không đặt tên quyển sách này là “3232” cho ngắn gọn, mà lại đặt là “Đừng làm con chim lạc đàn”, nghe có chút không liên quan tới nội dung của quyển sách nhỉ? Thật sự là mình đã thắc mắc như thế khi đang đọc lời tựa ấy, và tác giả như kiểu có thể đọc hiểu suy nghĩ của độc giả, mà ngay sao đó đã giải thích vấn đề này luôn.Vì thế mình xin giải thích một cách ngắn gọn ý của tác giả thế này: Mỗi chúng ta đều như một cánh chim cố gắng miệt mài bay về phía trước, cố gắng bắt kịp với thời khắc di cư của bầy đàn, cứ thế bay mãi, bay mãi. Chúng ta chỉ cảm thấy an toàn khi hòa mình vào đám đông, mỗi ngày đều cố gắng không ngừng nghỉ như thế, nhưng sẽ có những lúc tự hỏi rằng “Liệu mình có đi đúng hướng hay không?”. Đúng thế, có khi bạn miệt mài bay về phía trước, cứ nghĩ rằng phía trước đang có bầy đàn đang chờ mình, thế nhưng thực tế bạn đã lạc đường từ rất lâu rồi. Quyển sách này, theo mình cảm thấy thì thật sự rất phù hợp với tất cả những bạn đã và đang đặt những câu hỏi về sự nghiệp của mình. Dù cho bạn đang là học sinh cấp ba, đang học đại học hay đã tốt nghiệp đi làm, thì miễn là bạn vẫn chưa tìm ra đúng “đường bay” của mình, quyển sách này sẽ giúp bạn chậm lại, ngẫm nghĩ và điều chỉnh cho mình một “đường bay” phù hợp. “Đừng làm con chim lạc đàn” của Lưu Đồng đối với mình có lẽ cũng phù hợp với những bạn có nguyện vọng tham gia những sự kiện, những dự án lớn trong cuộc đời học sinh, sinh viên nữa. Tác giả đã chia sẻ về cách trả lời phỏng vấn để gây ấn tượng, về cách nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khác của một thực tập sinh,… Rất nhiều câu hỏi và câu trả lời mà mình cảm thấy phù hợp với cả những bạn học sinh sinh viên như mình đã nêu, vì chính bản thân mình cũng đã và đang nộp đơn cho những dự án khác nhau, nhưng vẫn không hề vừa ý với cách trả lời của bản thân, thì người phỏng vấn sẽ cảm thấy thế nào mọi người đều hiểu rồi đấy. Nhưng với những chia sẻ của Lưu Đồng trong quyển sách này, mình đã có thể chuẩn bị một cách khác hơn, và biết cách phân tích những câu hỏi của người phỏng vấn một cách khác hơn để đưa ra câu trả lời phù hợp nữa.Tổng kết lại, đây có lẽ chính là quyển sách mình muốn đề cử nhất cho mọi người trong năm nay luôn ấy. Vì những gì hay ho và có giá trị thì đều đáng được chia sẻ mà. Đằng này lại là một quyển sách về vấn đề công việc được chia sẻ một cách rất thực tế, đơn giản mà dễ hiểu, có thể dùng làm cẩm nang be bé và giúp đỡ chúng mình rất nhiều trên con đường sự nghiệp, thì lại càng phải chia sẻ với mọi người rồi!
Phan Nguyen Ha Vy