1. Không định đọc những quyển sách nói về sự chết mà không hư cấu kiểu như Điểm đến cuộc đời (ĐHG) hay quyển Khi hơi thở hoá thinh không này. Bởi tôi nghĩ những gì thuộc về đau khổ, chết chóc, mà không được hư cấu thì sẽ trần trụi, sẽ thật quá, và sẽ quá sức với sự tiếp thu của mình.
Nhưng càng ngày, việc đối diện với sự
hữu hạn của tôi càng trở nên thường xuyên hơn, như phải đi thăm người ốm, hay đi đám hiếu, lúc đó tôi mới buộc phải ý thức rõ rằng, hóa ra người ta rồi sẽ có lúc mong manh đến mức đấy, rồi đến lúc cả những suy nghĩ của mình, cả thân thể của mình, hơi thở của mình, mình sẽ không thể điều khiển, cũng không được quyền quyết định nữa.
2. Lần đầu tiên đọc một quyển sách của một bác sĩ mà không phải nói về sự thành công mà chủ yếu là thất bại. Không biết có phải là vì Paul viết khi biết mình sẽ chết không, mà tất cả được viết thành thật nhất có thể, kể cả sự bất lực trong việc khám chữa bệnh như thế nào. Paul có nhắc đến những cảm giác khi 1 bác sĩ tưởng như là đã chữa được cho bệnh nhân, nhưng hóa ra lại đang đẩy người ta đến chỗ tồi tệ hơn cả cái chết. Với sự thành thật ấy, dường như toàn bộ sự hạn chế trước bệnh tật của nền y học đang được được phơi bày. Cũng như thế, việc đi sâu vào đạo đức nghề nghiệp, khiến tôi hiểu sâu hơn những bi kịch mà bác sĩ phải chịu đựng. Họ đang làm một công việc đòi hỏi con người phải trở nên máu lạnh, nhưng nếu để mất cảm giác, họ rất dễ lệch lạc và tha hoá. Nên chính việc, một bác sĩ nói về sự bất lực, sự yếu đuối, và thậm chí là thừa nhận sự dốt nát của mình trong công việc, lại chính là chiếc gậy thăng bằng về tâm lý và đạo đức nghề nghiệp trong một nghề nghiệp như đi trên dây của họ.
3. Và cũng vì vừa là một bác sĩ, vừa là một bệnh nhân, nên Paul sẽ phải tự đối mặt với cái chết trong một tình trạng bi kịch hơn những người khác nhiều lần, không thể có một “lời nói dối tốt đẹp” nào để nương tựa an ủi và vỗ về cả, anh sẽ phải tự đối mặt một cách trực diện nhất với cái chết mà không được khoác bởi một thứ ảo ảnh nào. Không thể nói Paul viết cuốn sách trong một tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, bởi con người luôn đi tới cái chết của mình trong vô thức. Nhưng trong tất cả những gì thật thà nhất ấy, người ta nhận thấy một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để bám víu vào cuộc sống.
4. Từ trước đến giờ, tôi cứ tưởng con người mà cứ phải trăn trở để tìm lẽ sống cho mình là đang mang trên mình một cây thập tự của bi kịch rồi, nhưng hóa ra đó đôi khi còn là một niềm hạnh phúc. Người ta có thể mất 10 năm, 20, 30 hoặc lâu hơn thế, có khi là cả một cuộc đời dài dằng dặc chỉ để đi tìm lẽ sống cho mình. Nhưng Paul bị đẩy vào một quỹ thời gian hữu hạn là 5 năm trên lý thuyết, những câu trả lời mà con người có khi phải mất cả đời mới tìm ra được, thì Paul phải nhanh chóng tìm ra càng sớm càng tốt, bởi anh không có quyền được sai và thử lại: anh sẽ là một bác sĩ nội trú, hay một nhà văn, hay một người chồng một người cha?
Tôi đã xót xa và thậm chí phẫn nộ khi đọc đến đoạn, anh không nghĩ đến việc nghỉ ngơi, anh cứ cố gắng để lao vào hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú làm gì, khi anh có thể đau và ngất ngay sau khi anh mổ cho bệnh nhân? Tôi không hiểu nổi, tại sao cái chết không làm cho con người từ bỏ những tham vọng điên rồ của mình. Mãi đến lúc đọc đến dòng cuối cùng, tôi mới hiểu ra, chỉ có cách đấy, con người mới cảm thấy mình thực sự sống. Đối diện với cái chết, không phải bằng việc nằm nghỉ ngơi và chờ đợi nó đến, mà là bằng cách ” sống nhanh” hơn nhịp độ của người bình thường một chút. Vì thế, bằng một cách kỳ diệu nào đó, Paul đã hoàn thành toàn bộ những ước mơ trong đời mình trong vòng ba năm. Anh hoàn thành giấc mơ là bác sĩ nội trú, anh dùng hết tâm sức vào viết quyển sách, và cuối cùng anh có được Candy. Được ôm con trong lòng mình, lúc ấy anh cảm mới cảm nhận thấy “tất cả mọi đau khổ mình phải chịu đựng là xứng đáng”. Còn tôi thì nhận ra: khi người ta thực sự hạnh phúc và làm được những điều mình muốn người ta sẽ bớt sợ chết hơn.
5. Con đường đến với cái chết, với ai và bằng cách nào, đều là con đường cô đơn. Người ta buộc trải nghiệm nó trong cô đơn mà không thể chia sẻ được với ai. Paul là một bác sĩ, vợ anh cũng là một bác sĩ, anh được chính những đồng nghiệp khám và chữa bệnh cho. Họ đều là những người tiếp xúc quá nhiều với cái chết và quá trình cận tử, nhưng có những thứ không thể nói ra, vĩnh viễn không bao giờ có thể truyền đạt cho nhau. Càng đọc càng thấy một sự cô đơn đeo đuổi và bám diết anh, nhưng trong chính sự cô đơn đó, càng ngày càng thấy anh mạnh mẽ hơn, buồn nhưng mạnh mẽ hơn.
6. Không hiểu sao tôi lại nhớ về một tác giả khác là Đinh Vũ Hoàng Nguyên của Có một phố vừa đi qua phố, một nghệ sĩ cũng chết vì ung thư, và sau khi mất mới có sách. Đọc sách anh, mới biết tôi ở gần nhà anh, thằng con anh gửi chung mẫu giáo với thằng con tôi, chiều vẫn thấy mẹ nó đi đón nó, thằng bé nghịch như giặc. Và câu thơ cuối cùng anh viết vào ngày anh đi là:
Anh ra đi vào một ngày mưa bão
Vẫn biết cuộc đời vẫn mát như em
Author: Lê Thị Thanh Loan