1. Hãy thận trọng với ác nghiệp
Khẩu nghiệp cũng chính là ác nghiệp, bởi vì theo Đạo Phật, bất cứ sự vật, sự việc gì cũng đều có luật nhân quả. Điều này rất dễ thấy thông qua tính chất quan hệ nhân quả trong Phật giáo.
Ác khẩu, ác ngữ là lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa,… là những lời lẽ thiếu văn minh, đạo đức trong giao tiếp.
2. Ác khẩu có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời.
Đương nhiên, nói nặng lời, hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ, nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô.
Trong kinh Phật có bài học đạo lý rằng: Có người nghe Đức Phật rất từ bi, rất có đạo hạnh, nên cố ý đến mắng nhiếc Đức Phật. Nhưng khi chửi mắng, Đức Phật đều lặng thinh, chẳng đáp. Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai?” Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta. Đức Phật liền nói “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ!”
Theo đạo lý nhân quả trong Phật giáo, thì một việc làm, một lời nói, một ý niệm suy nghĩ của thân, miệng, ý dù đó là thiện hay bất thiện đều đưa đến kết quả nhất định của nó.
Có những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lập đi lập lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ hơn trong đời sống thường ngày của cá nhân đó. Cho nên, có câu sách tấn rằng “Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó”, hay “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, tức là người trí, người giác ngộ thì làm việc gì, nói lời gì, nghĩ điều gì luôn luôn cẩn trọng, cân nhắc đến hậu quả của nó.
Còn người mê thì cứ làm, cứ nói, cứ hành xử theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân của mình cho thỏa dạ hả lòng, khi hậu quả đến thì lo âu sợ hải.
3. Nó sẽ gây ra nhiều hậu quả cho con người trong cuộc sống sau khi nói ra.
Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn; lời nói nhã nhặn, lời khuyến tấn đúng thời, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi, những việc làm bất thiện.
Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời, trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
4. Hậu quả khó lường…
Như vậy, với những người thường dùng lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa,… trong cuộc sống hàng ngày của họ, trước hết, chính bản thân của người ấy đã thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân, những người xung quanh sẽ dần dần xa lánh họ. Những người thân của họ ít nhiều cũng ảnh hưởng lây bởi những lời ác ngữ này, nếu là bậc cha mẹ thường dùng ác ngữ đối với con cái thì những đứa trẻ này sẽ tiếp nhận và trong quá trình trưởng thành cũng sẽ ảnh hưởng những tính chất bất thiện này.
Một đứa bé được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường có nhiều tố chất bất thiện thì khi trưởng thành chắn chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều về tố chất đó. Còn nếu là con cái thường nói những lời thô bạo, thâm độc,… thì chắc chắn cha mẹ, thầy cô giáo không khỏi nao lòng. Nhất là, trong xã hội hiện nay, một số bạn trẻ online trên mạng xã hội facebook, twitter,… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác không phải là không có.
Có thể các bạn cho rằng những lời nói này không chỉ một người nào cụ thể, không trực tiếp một ai, thì sẽ không sợ nguy hại. Nhưng thực tế rất nguy hiểm, không chỉ viết những lời ác ngữ, mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm cả, vì nhiều lần làm như vậy chính không ai biết xấu hổ, không ai kiểm soát, không ai khuyến tấn nên lâu ngày dài tháng sẽ trở thành một thói quen.
Mà Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường. Lời nói sẽ theo gió bay đi nhưng nghiệp lực đã tạo ra thì còn ở lại, xin mọi người chớ dại lỡ mồm, chỉ một câu nói không cẩn trọng cũng có thể gây nghiệp báo nặng về sau