Review: Tâm lí học đám đông
Đánh giá: 9/10 (do với mình có mấy phần chữ hơi nhỏ)
Người ta thường cho rằng cừu là một sinh vật hèn nhát sống theo bầy đàn và luôn luôn làm theo số đông. Vì vậy mà tiếng Anh có một thành ngữ khá hay là “black sheep of..” ý chỉ là khác với số còn lại mà Westlife đã sử dụng trong bài hát Season in the sun (I was a black sheep of the family). Hay như giáo sư Nguyễn Tiến Dũng thường ví mình là “con cừu đen” trong làn toán Việt.
Việc sử dụng câu thành ngữ, một phần cũng hàm ý rằng không chỉ cừu mà ngay cả chúng ta cũng có xu hướng sống theo bầy đàn, làm theo số đông.
Có ai trong chúng ta chưa từng nghe (làm) những việc như:
“Đi biểu tình chung cho vui”
“Nó chửi thì dại gì mình không chửi”
hay “ai cũng làm như vậy mà”
Và tất cả những thắc mắc về tâm lí đám đông, vì sao con người ta thường có xu hướng hành động giống nhau ngay cả khi hữu thức và vô thức được giải đáp một cách rõ ràng và khá dễ hiểu trong 249 trang trong cuốn sách “Tâm lí học đám đông” của Gustave Le Bon. Ông là một nhà tâm lí xã hội, nhà nhân học người Pháp, từng học ngành y và đi khắp châu Âu, châu Á và Bắc Phi để nghiên cứu về nhân học và khảo cổ học.
Cuốn sách này tuy chỉ dày chưa đầy 300 trang nhưng lại chứa đựng những điều khiến ta phải suy nghĩ trong thời gian dài. Vì theo ông, “Trong khi mọi niềm tin từ nghìn xưa của chúng ta đang lung lay và biến mất, những cột trụ cổ xưa của xã hội đang lần lượt sụp đổ, thì chỉ có quyền lực của đám đông là không gì đe dọa được và uy lực của nó đang ngày càng lớn mạnh. Thời đại của chúng ta đang bướ vào chính là THỜI ĐẠI CỦA ĐÁM ĐÔNG”.
Theo mình, cuốn sách này thật sự phù hợp với các bạn đang học các ngành về nghiên cứu xã hội, thị trường, và đặc biệt là các ngành liên quan đền truyền thông để hiểu tâm lí khách hàng hơn. Đặc biệt là mỗi người chúng ta ít ra cũng phải đọc cuốn này một lần để hiểu hơn về những gì chúng ta đã, đang và sẽ làm.
review by: Thanh Tâm