[Tản mạn PhD]

Bài này mình đọc được của anh Tiệp Vũ. Cũng là tình cờ vì mình tìm trên google. Mình thấy có chút đồng cảm và thấy thích cách mà anh viết. Xin được chia sẻ ở đây cùng mọi người

Học PhD để làm gì? Muốn làm một ngành nào đó thì có cần PhD không? Đó là hai trong số nhiều câu hỏi mà tôi thấy trên page hoặc Forum trong thời gian gần đây về việc học PhD.

Thi thoảng tôi cũng tự hỏi tại sao mình lại ở đây học PhD trong khi bạn bè cùng lứa đã lên giám đốc, trưởng phòng, vợ đẹp, con khôn nhiều lắm rồi. Cũng nhiều khi tự hỏi nếu không học PhD thì mình giờ đang làm gì. Đang đi code dạo hay đang ở nhà nấu cơm, trông con cho vợ đi làm. Hay nếu không học PhD thì liệu mình có được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và học nhiều thứ như mình đang có hay không?

Trước hết, làm PhD cũng là một nghề – nghề nghiên cứu. Các giáo sư nhận tài trợ và dự án từ bên ngoài rồi về yêu cầu nghiên cứu sinh làm. Và trả lương, một mức lương gần như là thấp nhất trong xã hội, ít nhất là ở Mỹ. Tôi không gọi đây là học bổng, mà xin gọi chính xác là lương. Vì chúng tôi phải bỏ công sức ra rất nhiều để nhận được.

Tôi khá may mắn vì giáo sư hướng dẫn quan tâm và giúp đỡ các sinh viên trong lab rất nhiều (và ngược lại yêu cầu cũng cao). Tôi được chỉ định làm project đầu tiên, cũng may đó là một bài toán classification, lĩnh vực mà tôi thích. Còn các project sau thì chủ yếu là thích cái gì làm cái đó, tất nhiên khi có ý tưởng thì cần được thông qua. Miễn sao ra đủ journal mà mình là tác giả thứ nhất ở các tạp chí lớn là được. Có một điểm cần nhấn mạnh là các bài báo khoa học thường có nhiều tác giả, nhưng 90% công việc được thực hiện bởi tác giả thứ nhất. Những người còn lại chủ yếu đóng góp một chút lúc có ý tưởng và tham gia viết và sửa bài ở bước cuối. Hoặc là những bên tài trợ cho dự án.

Như vậy là mỗi nghiên cứu sinh gần như phải tự làm toàn bộ mọi thứ trong dự án mình chọn. Từ việc tìm đọc các bài báo liên quan, triển khai thuật toán, cả của mình và của người khác, vẽ hình minh hoạ, viết báo cáo, viết báo tới rất nhiều việc không tên khác, có khi việc cài đặt một phần mềm cũng tốn cả tuần. Những kiến thức trong ngành được dạy trên lớp chỉ là những thứ rất cơ bản, còn lại đều phải tự đọc và học rất nhiều. Vì thường những thứ mình làm là những thứ rất mới, cả giáo sư của mình cũng chưa làm bao giờ.

Vậy nên PhD là mình tự học mọi thứ, tự chọn phải học cái gì và sẽ làm gì. Và những việc này được làm dưới nhiều áp lực. Áp lực phải có đủ số lượng journals để ra trường kéo theo rất nhiều áp lực khác. Có lẽ việc khác nhau giữa học và không học PhD nằm ở những áp lực này. Cũng vì có những thứ đó mà tôi nhận ra được rằng mình có thể làm được nhiều thứ. Không bắt tay vào thử thì không bao giờ biết mình có làm được hay không. Thực ra thì nếu không có áp lực thì chưa chắc tôi đã bắt tay vào thử.

Vì những lý do đó, với tôi, học PhD giúp ta tự học được rất nhiều kiến thức, hẳn rồi, và nhiều kỹ năng. Kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập trình, đọc báo lấy ý tưởng, trình bày vấn đề, viết báo, và nhiều kỹ năng nhỏ khác nữa (vẽ hình minh hoạ chẳng hạn). Đó là những thứ quan trọng trong công việc của tôi sau này.

“Muốn làm một ngành nào đó thì có cần PhD không?”. Theo tôi, trừ khi bạn muốn làm giáo sư đi dạy sau này, các kiến thức trong ngành bạn có thể tự học được nếu tự đặt lên mình những động lực, và áp lực, để học và thực hành những kiến thức đó. Mạng internet giờ có mọi thứ cho bạn, kiến thức trên đó còn tốt hơn kiến thức trong trường học rất nhiều. Và nhiều chỗ học còn miễn phí.

———
Học PhD phải hy sinh khá nhiều thứ. Trung bình năm năm không phải là một thời gian ngắn. Bạn cũng sẽ phải lo mọi thứ một mình nếu bạn học ở nước ngoài. Những năm đầu, có nhiều đêm tôi thức rất muộn, hoặc là vì làm việc cho kịp hạn, hoặc là vì không có gì làm, nghĩ vẩn vơ và không ngủ được. Cũng không tìm ai nói chuyện được vì ở Việt Nam mọi người đang giờ đi làm, còn ở bên này đang giờ đi ngủ. Đôi khi cũng tủi thân nhớ Việt Nam ghê gớm mỗi khi ở nhà có ngày lễ, hoặc lâu lắm không được ăn món gì ra hồn.

Ngoài nghiên cứu, tôi phải tìm một vài thú vui để cân bằng cuộc sống. Tôi nấu ăn khá nhiều, toàn nấu theo trí tưởng tượng của mình, hoặc theo youtube nhưng thay gia vị này bằng gia vị khác sẵn có. Mùi thường rất thơm nhưng vị thì không được như ý cho lắm. Tôi cũng mua kindle và đọc rất nhiều tiểu thuyết. Những năm gần đây thì đi thể dục thể thao nhiều: đá bóng, chạy, bơi, đạp xe, leo núi, … Tôi trân trọng thời gian này vì thấy cơ thể khoẻ hơn nhiều so với mấy năm sinh viên nghèo ở Hà Nội. Mấy năm gần đây được đi hội thảo, được gặp nhiều người và đi nhiều nơi cũng rất vui và mở mang được nhiều.

Năm 2017 này thì tôi có thú vui khác nữa là viết blog. Ban đầu thì nghĩ lúc nào rảnh thì viết. Nhưng từ khi viết thì chẳng thấy có lúc nào rảnh nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định viết blog này. Nó mang lại cho tôi nhiều thứ mà trước khi bắt đầu tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Còn gì vui hơn khi mình tổng hợp lại kiến thức lại có thêm rất nhiều người hưởng ứng học cùng, rồi động viên, cả bằng lời nói lẫn tiền mua cà phê (à hôm nay có một bạn ủng hộ tôi cà phê đủ uống trong 2 -3 tuần kèm theo lời nhắn khiến tôi vui cả ngày). Việc duy trì blog là một kỷ niệm rất đẹp và ý nghĩa trong quãng thời gian học PhD của tôi.

“Kiến thức là thứ khi ta cho đi càng nhiều thì càng nhận được nhiều.” Trong trường hợp này, tôi nhận được rất rất nhiều, trên nhiều mặt khác nhau.

Cảm ơn các bạn đã đọc tới đây. Chúc các bạn một ngày tốt lành.
Tiệp Vũ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here