Book Review:

Bad Blood: Những bí mật và dối trá của một công ty khởi nghiệp ở Thung Lũng Silicon.

Tác giả: John Carreyrou
Năm xuất bản: 21 tháng Năm 2018
#vulehuytran #bookreview #badblood

Thung Lũng Silicon (Valley) nằm ở phía nam của Vùng Vịnh, bên cạnh Đại Học Stanford. Đây là nơi tập trung các công ty công nghệ lớn, các nhà đầu tư mạo hiểm, cũng như các nhân tài của Mỹ. Nhắc tới Silicon Valley sẽ dễ liên tưởng đến các công ty khởi nghiệp (startup). Rất nhiều nước cố gắng bắt chước mô hình của Silicon Valley nhưng không phải ai cũng thành công.

Cuốn sách Bad Blood của nhà báo điều tra (investigative reporter), Wall Street Journal (WSJ), John Carreyrou, miêu tả câu chuyện về 15 năm lịch sử của công ty khởi nghiệp Theranos. CEO của Theranos là cô Elizabeth Holmes (s.n. 1984), đạo diễn chính của một vở kịch lừa gạt lớn nhất trong lịch sử khởi nghiệp Silicon.

Mình cho rằng cuốn sách rất đáng đọc vì nó là một “case study,” mổ xẻ chi tiết về cách hoạt động của một công ty, và nêu bậc lên những bài học về đạo đức kinh doanh. Sách viết rất chi tiết, nên mình chỉ điểm qua những ý chính cộng với những bình luận cá nhân.

Elizabeth Holmes rất thông minh, được nhận học bổng Tổng Thống khi vào Stanford, ngay năm nhất đã vào làm tình nguyện trong lab của GS Channing Robertson. Vào mùa hè, Holmes nghĩ ra một ý tưởng rất hay và dành thời gian viết tỉ mỉ ra thành một bằng sáng chế (patent). Ngay khi trở lại mùa học, cô cho GS Robertson xem và tin rằng đây là sẽ ý tưởng tạo ra cuộc cách mạng cho y học. GS rất bị ấn tượng. Năm đó, Holmes bỏ học ra lập startup cùng một sinh viên PhD của Robertson.

Ý tưởng của cô là: tạo ra một thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay, bệnh nhân có thể đặt ở nhà, chỉ cần một giọt máu là có thể làm gần như tất cả các xét nghiệm thường quy. Kết quả xét nghiệm có thể được truyền tới máy tính/điện thoại của bác sĩ để bác sĩ can thiệp từ xa trong tức khắc. Nếu thực sự làm được, đây sẽ là công ty tỉ đô vì xét nghiệm là một thị trường rất lớn mà hiện tại hai gã khổng lồ đua nhau xâu xé là LabCorp và Quest Diagnostics (và nhiều hãng khác nữa).

Công ty của Holmes, Theranos, thu hút rất nhiều nhân tài, toàn là PhD từ Stanford hay MIT tham gia. Thậm chí dàn C-executives (tức những vị CFO, COO, C blah blah) toàn những người có thâm niên và tên tuổi. Chưa kể đến Board of Directors toàn những nhân vật cỡ bự của Silicon và nước Mỹ, như Henry Kissinger, George Schultz, và v.v.

Holmes thu hút một lượng tiền đầu tư lên tới $700m, và giá trị công ty được thẩm định là 9 tỉ đô. Cô trở thành tỉ phú tự thân trẻ nhất và một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trong giới khởi nghiệp Silicon. Thậm chí, cô còn được gọi là Steve Jobs của y tế.

Holmes rất sùng bái Steve Jobs: cô mặc áo cổ rùa (turtleneck) màu đen giống Jobs, thuê công ty thiết kế từng làm việc cho Jobs, thu hút designer của Apple về để thiết kế thiết bị của Theranos cho giống iPhone, thuê xe Mercedes liên tục để đi xe không có biển số như Jobs, thậm chí Jobs họp với công ty thiết kế vào thứ Tư hàng tuần thì cô cũng chọn y thứ Tư.

Ngoài hiệu ứng Jobs ra, Holmes có một cái hút hồn rất giống Jobs: với giọng nói sâu, đôi mắt xanh dương to tròn và ít nháy, cô luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người nghe để họ tin vào viễn kiến tươi đẹp của Theranos. Một tố chất hiếm người có.

Theranos vận hành vô cùng bí mật. Công ty luôn có bảo vệ, có thời lên tới 20 nhân viên bệ vệ, mặt áo vest đen, và đeo tai nghe. Không chỉ nhân viên mà thậm chí cả khách mời trước khi vào toà nhà phải ký Thoả Thuận Không Lộ Thông Tin Nhạy Cảm (NDA). Sunny Balwani, người nắm quyền lực thứ hai sau Holmes, thậm chí còn kiểm tra xem LinkedIn của nhân viên có ghi gì chi tiết về công việc họ làm ở Theranos hay không. Tất cả các nhóm, từ kỹ nghệ, hoá sinh, tới lâm sàng, đều không được giao tiếp công việc với nhau. Mọi dòng chảy thông tin đều phải qua Holmes và Sunny. Họ thậm chí còn có cả David Boisz, luật sư giỏi nhất nước Mỹ, hỗ trợ. Theranos có một văn hoá bí mật và độc tài đến kỳ dị. Các bạn nghĩ trên đời này làm gì có công ty nào kì quái và bí ẩn như vậy không nhỉ? Hoá ra lại có: đó chính là Apple của Jobs.

Tuy nhiên, điều khác nhau một trời một vực giữa Jobs/Apple và Holmes/Theranos là: Jobs nói chuyện hút hồn và thực sự có chiếc iPhone như lời nói, còn Holmes nói chuyện hút hồn nhưng không hề có thứ công nghệ cô tô vẽ!

Theranos có, nhưng thứ họ có là những thiết bị y khoa thương mại được hack và thu nhỏ lại, được gọi bằng những cái tên bóng bảy như Edison và miniLab, và đơn giản chỉ là những prototype (bản mẫu để kiểm tra ý tưởng). Holmes tô vẽ rằng Theranos làm được hàng trăm xét nghiệm chỉ từ một giọt máu (sau này đổi thành “vài” giọt máu). Sự thật là: lấy một giọt máu, dùng thiết bị hãng khác pha loãng ra cho thể tích nhiều lên, rồi cho vào máy phân tích bằng những phương pháp truyền thống. Đây không hề là một phát minh cách mạng nào cả.

Hơn nữa, Apple sản xuất phone, còn Theranos làm việc với sức khoẻ con người. Sự dối trá của Holmes đã suýt nữa đặt tính mạng bệnh nhân lên cán cân sống chết.

Tại thời điểm rất nhiều tạp chí như Forbes, Fortune, Wired, Inc, hay The New Yorker ca ngợi và tân bốc Holmes lên tận mây xanh thì đùng một cái, bài báo của John Carreyrou trên WSJ như một quả bom nổ tung bức màn bí ẩn của Theranos. Tiếp sau đó là một cuộc chiến tranh không khoang nhượng giữa Theranos và John. Cuối cùng, cơ quan pháp lý vào cuộc, và 2016 Holmes bị CMS và FDA lật tẩy tận gốc rễ của sự dối trá về công nghệ của Theranos. Sự lụi tàn của Theranos dẫn đến sự tổn thất lớn của nhiều người và nhiều công ty, bao gồm Walgreen và Safeway.

Thương nghiệp của Holmes suốt 15 năm qua chứa nhiều bài học cho những bạn muốn làm startup. Một điều quan trọng là: đừng cho rằng bỏ học sẽ thành công như Bill Gate, Steve Jobs, hay Mark Zuckerberg. Holmes bỏ học Stanford năm 19 tuổi, và cô không hề có một kiến thức sâu sắc nào về sinh học, hoá học, hay kinh tế cả. Khi Mark bỏ học và không biết cách vận hành công ty vì thiếu kiến thức, anh đã tìm đến những người tài giỏi để giúp anh, như COO Sheryl Sandberg. Trường học không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy chúng ta tính khiêm tốn và lòng ham học hỏi. Thất bại của Holmes nằm trọng tâm ở cái tôi quá lớn của cô khi không chịu thừa nhận thất bại và học hỏi.

P.S. 
1. Câu chuyện 15 năm nên rất nhiều chi tiết li kỳ. Mình lướt qua cái khung chính nên rất ít thông tin.
2. Quan điểm cá nhân mình nên sẽ không đúng, các bạn đừng ném đá nhé.
3. Người ta đang làm phim về Theranos và Holmes. Các bạn cùng đón chờ nhé.

review by: Vũ Lê – Huy Trần

Nếu bạn muốn mua sách và nhận phiếu giảm giá online thì mua Tại đây nhé:

Mua sách giảm giá

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here