Tôi viết review sách cho những ai lười đọc và chưa chọn cho mình được cuốn sách mỏng, ý nghĩa và giá lại rẻ để đọc trong những ngày tới.

Đây không phải là một cuốn sách ngôn tình, nhưng lại thấm đấm tình cảm. Dòng in đậm dưới đây là câu kết của cuốn sách nhưng có thể nó sẽ phù hợp với tất cả mọi người vì ai cũng có ký ức và cần có ký ức.

Còn bây giờ, mời bạn cùng đọc!

Kate Bowler – Phó giáo sư tại trường Thần học Duke. Ở tuổi 35, mọi thứ trong cuộc đời cô dường như đều hướng về “phúc lành”. Kate đang phát triển sự nghiệp, kết hôn với Toban – người yêu thời trung học và có một cuộc sống hạnh phúc với đứa con trai – Zach mới sinh sau nhiều năm cô bị coi là hiếm muộn.

Thế nhưng, cuộc đời của cô không giống như những bộ phim ngôn tình Hàn Quốc được chiếu khắp các màn ảnh nhỏ. Nếu như trước đây, những tháng ngày của Kate êm ả trôi qua trong hạnh phúc, thì giờ đây là những giây phút đấu tranh để giành giật sự sống.

Một vài tháng trước, Kate bắt đầu cảm thấy đau bụng và bác sĩ chuẩn đoán Kate bị mắc ung thư đại tràng giai đoạn bốn và cần phải nhập viện ngay lập tức.

Bản thân Kate là người chuyên về nghiên cứu về Tin lành thịnh vượng, tín ngưỡng coi vận may là một phúc lành từ Thiên Chúa và bất hạnh là dấu hiệu của sự trừng phát từ Người. Viễn cảnh về cái chết của chính cô buộc Kate phải nhận ra rằng cô đã ngầm theo dõi Tin lành thịnh vượng, sống với niềm tin rằng cô có thể kiểm soát cuộc đời của mình với một sự quyết tâm mãnh liệt. Tinh thần “tôi có thể” của người Mỹ, nó ngụ ý rằng nếu bạn không thể làm được và không chịu nổi bệnh tật hay bất hạnh, thì bạn là một kẻ thất bại. Kate rất ốm, và không có suy nghĩ tích cực sẽ thu nhỏ khối u của cô. Điều đó có nghĩa gì khi chết, cô tự hỏi, trong một xã hội khăng khăng mọi thứ xảy ra đều có lý do? Kate cảm thấy niềm tin vào Tin lành thịnh vượng của mình không còn trọn vẹn, cuộc sống thật khó khăn nhưng tươi đẹp theo cách mà nó chưa từng có trước đây.

Trong suốt khoảng thời gian điều trị, cô đã tự đấu tranh nôi tâm, giải phóng các luồng tư tưởng để đi tìm lời giải cho ý nghĩa cuộc đời, nguyên do những sự việc xảy ra trong cuộc đời này. Liệu rằng Kate có thể tìm thấy lời giải cho chính cuộc đời cô?

Kate đã kéo người đọc như bước vào cuộc đời cô thông qua cuốn tự truyện “Mọi chuyện trên đời đều có nguyên do?” đầy màu sắc, với nhiều cung bậc của cảm xúc đan xen giữa vui nhộn, trầm lắng. Kate như đưa người đọc đến gần hơn với thực tại cuộc sống, để họ nhận ra rằng “cuộc sống là vô thường” mà bạn cần phải chuẩn bị cho điều đó.

Trong sách, có đoạn Kate viết: “Chỉ mới một lúc trước tôi còn là một con người bình thường với những vấn đề thường nhật. Ngay sau đó, tôi biến thành bệnh nhân ung thư. Thế rồi, trước khi tâm trí tôi có thể nhận ra, ung thư xuất hiện – trương phồng lên để giành lấy mọi không gian mà trí tưởng tượng có thể chạm tới. Một thực tại mới mẻ không mời mà tới. Có một “ngày trước,” và giờ đã là “ngày sau”. Thời gian đi chậm thành từng nhịp mạch đập. Mình có đang thở không? Tôi tự hỏi. Mình có muốn thở không?”

Có lẽ, chỉ trong hoàn cảnh đối diện với cái chết, con người ta mới thấy ý nghĩa của từng giây, từng phút. Cũng trong thời khắc đó, họ nhận ra rằng “đồ ăn, đồ uống có giá đắt nhất là thuốc và chiếc giường có giá đắt nhất là chiếc giường bệnh”. Và, họ trở nên muốn làm nhiều hơn những việc đơn giản mà bây lâu nay họ không để tâm đến, không làm.

Kate viết trong hồi ký của mình: “…Đôi lúc, khả năng sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại có cảm giác như một món quà. Nỗi đau của tôi, bằng một cách nào đó, dường như có mối liên kết với nỗi đau của những người khác. Tôi để ý thấy vẻ mệt nhoài trên gương mặt người mẹ trẻ trong cửa hàng tạp hóa và giúp cô ấy đẩy xe đẩy hàng. Tôi nán lại để trò chuyện cùng người đàn ông vô gia cư ngồi trong một góc vỉa hè. Tôi sẵn sàng trao đi tiền của hơn, bớt cảm giác miễn cưỡng. Giờ tôi có thể thấy người ta làm việc cực nhọc như thế nào để trang trải cho đời mình, nhưng những bức tường bảo vệ đời khỏi đổ vỡ cũng dễ rạn nứt.

Và một lần nữa, tôi chỉ có hai tháng để sống.
Tôi ngồi trong ghế hóa trị với đống thuốc điều trị miễn dịch trị giá 16.000 đô la được bơm vào người qua một buồng truyền trên ngực. Đây là những con số tôi không thể chi trả mà không có bảo hiểm….”

Đối với mỗi người, ai cũng có những mục tiêu riêng như tiền tài, danh vọng…,và hàng ngày tự lên dây cót cho chính mình để chạy theo, chinh phục những mục tiêu ấy. Nhưng đối với những bệnh nhân nằm trên giường bệnh, không có mục tiêu nào ngoài “hồi phục” và “khỏe mạnh” trở lại.

Kate viết cho những mục tiêu về sức khỏe của mình: “…Tôi từ bỏ một trò chơi điện thoại ngốn thời giờ và đồng ý đọc sách nhiều hơn vào ban đêm. Nhưng không lâu sau đó, những nhiệm vụ hàng ngày bắt đầu chạm đến từng chi tiết nhỏ của đời tôi, bảo tôi lập kế hoạch rõ ràng cải thiện sức khỏe năm nay, và lập kế hoạch cho năm năm sau.
“Năm năm?!” Tôi nhắn Kori. “Tớ không biết…có lẽ mục tiêu to bự của tớ là KHÔNG CHẾT.”

Càng dần rời xa sự sống, con người như càng trở nên muốn níu kéo, tương tác nhiều hơn và chăm lo nhiều hơn đến những mối quan hệ xung quanh mình. Kate cũng không ngoại lệ, cô quẩn quanh trong những câu hỏi: “Mục tiêu cho các mối quan hệ chính của bạn là gì? Bạn muốn xây dựng những phẩm chất nào trong những người đó? Có điều gì bạn muốn họ biết và thấu hiểu bạn không?”

Cô viết: “Tôi viết tên Toban (chồng) và Zach (con trai) vào một trang giấy trắng trong sổ của mình và nhận ra rằng mình đang khoanh xung quanh tên hai người với vô vàn những trái tim. Làm thế nào để tôi có thể đặt mục tiêu cho những mối quan hệ này trong một tương lai có thể không bao giờ đến? Mệt rã rời, tôi nhét cuốn sổ vào đáy giỏ xách.

Nhưng những câu hỏi vẫn bám lấy tôi. Trong những cuộc dạo bộ dài, trong phòng chờ bệnh viện, trong những giây phút trước khi ngủ. Mình muốn cho họ điều gì? Tôi lôi cuốn sổ ra trở lại và viết nguệch ngoạc vài từ.

Lòng trắc ẩn.

Từ đó là cho Zach (con trai). Tôi đã luôn muốn nuôi dạy con trai thành người biết yêu thương kẻ yếu thế, người biết dừng lại trước con ốc sên, người muốn biết vì sao người đàn ông ngoài cửa sổ bảo rằng ông sẽ làm việc để có cái ăn. Tôi muốn nuôi dạy một người tình cảm nhưng cũng rất cứng rắn. Con sẽ biết nỗi đau của thế giới nhưng sẽ trở thành người tốt hơn vì điều đó. Con sẽ dũng cảm trước những điều gây nhói lòng.

Cho Toban (chồng), tôi viết một từ rồi lắc đầu. Từ đó là không thể: niềm vui.

Làm sao tôi có thể bảo một người đàn ông mất đi vợ, mẹ của con anh và bạn thân nhất của anh từ thời trung học cảm nhận những thứ như niềm vui? ….”

Khép lại những trang sách cuối cùng trong cuốn tự truyện của Kate, người đọc như đồng cảm cùng với cô “ai rồi cũng sẽ chết”, thế nên sống làm sao để những người xung quanh chúng ta tìm thấy TÌNH YÊU. Và, Kate như một bài học cho mỗi người về tấm gương nghị lực đấu tranh cùng bệnh tật và niềm tin mãnh liệt vào tương lai, dù nó là tương lai gần.
Cô viết: “…Phải, tôi sẽ chết, nhưng không phải hôm nay.”

Cảm nhận về cuốn tự truyện của Kate, Bill Gates viết: “Tác phẩm xứng đáng nằm trên kệ cùng với những cuốn sách tuyệt vời khác về chủ đề khó khăn này, như Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalannithi, và Ai rồi cũng chết của Atul Gawande.”

Con tôi, tôi mượn câu kết của Kate trong buổi nói chuyện tại Ted năm 2018 để thay lời kết cho bài review về cuốn tự truyện đáng đọc “ MỌI CHUYỆN TRÊN ĐỜI ĐỀU CÓ NGUYÊN DO?
“Cuộc sống sẽ phá vỡ trái tim bạn, và cuộc sống có thể lấy đi mọi thứ bạn có và mọi thứ bạn hy vọng. Nhưng có một loại phúc âm thịnh vượng mà tôi tin vào. Tôi tin rằng trong bóng tối, thậm chí ở đó, sẽ có vẻ đẹp, và sẽ có tình yêu.”

Hãy like và share nếu bạn thấy cuốn sách này sẽ ý nghĩa cho nhiều người!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here