Book Review: Grit – Sức mạnh của đam mê và kiên trì

Tên sách: Grit – The Power of Passion and Perseverance
Tác giả: Angela Duckworth, giáo sư tâm lý học tại UPenn
Năm xuất bản: 2016
#bookreview #grit

Mình biết đến tác giả thông qua TED Talk của Cô năm 2016:
https://www.ted.com/…/angela_lee_duckworth_grit_the_power_o…

Về tác giả: 
http://vietnamnet.vn/…/thanh-tuu-an-tuong-cua-nu-gs-thuyet-…

Khi Cô ra sách thì mình mua về nhưng chưa đọc hết. Để trên kệ hai năm thì tuần này mình mới lấy ra đọc. Sau khi đọc xong, mình mới hiểu ra tại sao mình cảm thấy giai đoạn học đại học mình lại thua kém rất nhiều so với giai đoạn học cấp 3 và ôn thi đại học. Hy vọng bài review này sẽ giúp các bạn ở mức độ nào đó.

Trong xã hội có rất nhiều người xuất chúng ở đủ mọi lĩnh vực. Nếu không được tiếp xúc với họ, chúng ta có cảm giác họ là những thần đồng, những người có khả năng bẩm sinh và phi thường mà chúng ta không tài nào với tới được. Liệu chúng ta có thể đặt họ dưới kính hiển vi, mổ xẻ ra, và soi thấy lý do dẫn đến sự thiên tài của họ được hay không? Có nhiều nhà tâm lý học đã thiết kế nhiều thí nghiệm để tìm hiểu về những đặc trưng hoặc những yếu tố giúp hình thành những cá nhân kiệt xuất. Liệu họ xuất chúng có phải do tài năng (talent) hay do nỗ lực (effort) mà có? Angela Duckworth đã phát hiện ra một điều rất thú vị: không phải tài năng mà là grit mới là yếu tố quyết định sự thành công. Vậy grit là gì?

Grit, từ cổ là grytte (trang 253), là đức tính pha trộn giữa đam mê và kiên trì.

Cuốn sách được chia thành 3 phần:
Phần 1: Giới thiệu về grit
Con người thành công là do tài năng hay nổ lực? Một khảo sát cho thấy người Mỹ nói rằng nổ lực quan trọng gấp 5 lần so với tài năng. Tuy nhiên, khi đánh giá một ai đó hay một công trình, người ta lại đề cao những người tài năng tự nhiên (natural) hơn là những người nổ lực đạt được (striver). Đây là một sự thiên vị cho tính bẩm sinh (naturalness bias). Giống như người Việt Nam mình thường khen tấm tắt đứa nào chơi nhiều, ít học bài, mà lúc nào cũng điểm cao; còn đứa nào mà suốt ngày học gạo thì bị chê là giỏi nhờ siêng năng chứ có tài gì.

Nói gọn là: tài năng —> thành tựu.

Tuy nhiên, Duckworth cho rằng: Nổ lực giúp tài năng biến thành kỹ năng, và lại chính nổ lực giúp biến kỹ năng thành thành tựu. Như vậy, nổ lực chiếm gấp đôi tài năng. Cô nhấn mạnh rằng để đạt được điều đó thì con người phải có nổ lực và cam kết gắn bó với nổ lực một cách xuyên suốt và nhất quán chứ không phải hứng lên mới làm. Nếu bạn từng thức trắng đêm để làm đồ án và cảm thấy hiệu suất công việc của nguyên học kỳ nằm trọn trong đêm đó, thì đó không phải là grit. Grit không phải là cường độ bạn làm việc, mà là sức bền bỉ của bạn. Nếu hàng tháng hay hàng năm trời bạn đều làm như vậy mà không biết chán và mệt thì mới được gọi là grit.

Grit, tài năng, hay tính cách đều bị chi phối bởi gene cũng như môi trường. Đặc biệt là grit thay đổi khi môi trường sống chúng ta thay đổi, và chúng ta trở nên grit nhiều hơn khi chúng ta trưởng thành.

Vậy làm thế nào để có grit? Có 2 cách xây dựng grit: xây grit từ chính nội tải bản thân mình và xây grit nhờ môi trường xung quanh.

Phần 2: Xây dựng grit từ bên trong

Giai đoạn 1: Xây dựng sở thích

Thường ba mẹ hay người thân hay gợi ý/ép buộc con cái học/làm những nhóm ngành nghề mà người lớn cho là danh giá nhất (bác sĩ, luật sư). Nhưng, các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng con người thoả mãn hơn nếu được làm ngành nghề đúng với sở thích các nhân, và khi làm đúng ngành thì con người làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Cái khó là làm sao mình biết mình thích gì! 
Khoảng khắc chúng ta biết mình thích gì không phải là một giây phút giác ngộ giữa lúc đang trải nghiệm điều gì mới, mà có khi mình phải làm việc đó nhiều tháng/nhiều năm đến độ ăn ngủ cũng nghĩ đến nó thì chúng ta mới biết đó thực sự là sở thích của mình. Nói cách khác, sở thích không phải là tạm thời mà là một quá trình va chạm lâu dài.


Bước 1 (khám phá): Hãy trải nghiệm mọi thứ mà chúng ta thấy mới. Đây là lúc chúng ta chơi là chính. Nếu lúc nào mà mình bị ép buộc phải làm cái này cái kia là rất mau chán, nên các bậc cha mẹ không nên ép con cái. Nói cách khác, bạn sẽ không thể khám phá ra sở thích của mình chỉ bằng cách ngồi và suy nghĩ (introspection) mà phải đi khám phá thế giới, cọ xát, và trải nghiệm.
Bước 2 (phát triển): Chủ động cọ xát và trải nghiệm nhiều hơn nữa cho công việc hay trò chơi mà bạn thích. Càng lâu càng tốt.
Bước 3 (đào sâu): tìm hiểu đến tận cùng những gì mới mẽ của công việc hay trò chơi ấy. Mới mẽ ở đây có hai nghĩa: 1) với người bình thường thì bất cứ cái gì bạn chưa gặp lần nào đã là mới mẽ, nhưng 2) với nhà chuyên môn thì chỉ cần một điểm dị thường nho nhỏ so với bình thường cũng đã là mới mẽ. 
Điều quan trọng nữa là bạn phải có gia đình và người thân hỗ trợ để giúp bạn phát triển. Chung quy lại, nếu ba mẹ không cho con học bơi ở nhà văn hoá thiếu nhi thì con bạn sẽ không hề biết rằng bơi rất vui và có khi lại trở thành vua bơi lội như Michael Phelps.

Giai đoạn 2: Luyện tập
Luyện tập phải đúng cách, đó là luyện tập cần mẫn (deliberate practice) theo lý thuyết của Anders Ericsson [Malcolm Gladwell gọi là “Quy tắc 10,000 giờ” trong cuốn “Những Kẻ Xuất Chúng” (Outliers)].
Vậy luyện tập cần mẫn là gì?
Bước 1: nắm rõ tính khoa học của luyện tập cần mẫn: 
1. đặt ra một mục tiêu cụ thể, càng cụ thể càng tốt 
2. dành thời gian luyện tập mỗi ngày
3. nhờ người thân hay bạn bè đánh giá những mặc chưa đạt (feedback)
4. làm đi làm lại và phải liên tục tự đánh giá và tự cải tiến để hoàn thiện

Bước 2: biến quy trình trên thành một thói quen hằng ngày. Lúc này, bạn không cần phải bỏ thời gian ra suy nghĩ ngày mai mình nên làm gì cả. Bạn chỉ thực thi những gì mình đã làm suốt từ trước tới giờ.

Bước 3: thay đổi cách mà bạn trải nghiệm. Thay vì cảm thấy xấu hổ/sợ hãi vì mình làm sai, bạn hãy xem mỗi lần thất bại là một thử thách để mình vượt qua. Lúc đó, luyện tập cần mẫn trở nên kỳ diệu và thú vị.

Giai đoạn 3: Mục đích
Cùng một công việc là bán áo thun, lúc 20 tuổi bạn sẽ cho rằng bán áo thun chỉ là một công việc kiếm tiền (job), lúc 25 tuổi có khi bạn sẽ xem đó là sự nghiệp kinh doanh cả đời của mình (career), và lúc 35 tuổi có thể bạn sẽ tin rằng bán áo thun là tiếng gọi thiêng liêng (calling) mà xã hội đang cần bạn. Một điều phổ biến ở người trẻ là chúng ta rất nhanh chán công việc mình đang làm và bảo rằng mình không thấy mục đích sống hay ý nghĩa sâu xa của công việc. Người trẻ sẽ nhảy việc và luôn tự nhủ mình cần phải đi tìm nơi phát triển sự nghiệp cho bản thân, sắp 30 rồi còn gì.

Thật ra, job, career, hay calling không ở đâu xa cả. Nó nằm ngay chính bản thân mình và lựa chọn của mình. Hãy hướng mình về cộng đồng, về một điều gì đó cao hơn hiện thực của bản thân để tìm thấy tiếng gọi thiêng liêng mà xã hội cho mình.

Làm sao để tìm thấy tiếng gọi thiêng liêng?
Bước 1: Khởi đầu từ khoảnh khắc loé lên trong đầu bạn về ý nghĩa công việc mà bạn đang làm. 
Bước 2: Quan sát một ai đó đã có sự nghiệp trong ngành của bạn, xem họ là hình mẫu (role model) để noi theo).
Bước 3: Khám phá ra một vấn đề trong ngành mà thế giới cần phải giải quyết. 
Bước 4: Khám phá ra rằng những gì bạn làm hôm nay có thể góp phần giải quyết vấn đề ấy.

Cách diễn giải của mình là: Khi bước chân vào một lĩnh vực, mình phải xây dựng một bức tranh tổng thể (landscape) về ngành đó và định vị xem mình đang ở đâu trong chuỗi mắc xích lớn. Tiếp theo là liên tục cải tiến những việc mình đang làm (continuos improvement process). Quan trọng nữa là tìm một hình mẫu trong ngành để truyền cảm hứng cho bản thân.

Giai đoạn 4: Hy vọng
Đây không phải là giai đoạn cuối mà luôn hiện hữu xuyên suốt 3 giai đoạn trên. 
Hy vọng là gì? là khi chúng ta bị tổn thương và chúng ta biết mình có thể kiểm soát được nguồn gây ra tổn thương đó.
Tuyệt vọng là gì? là khi chúng ta không thể kiểm soát được nguồn gây ra tổn thương cho mình.

Lạc quan là gì? là khi chúng ta biết chính xác nguồn gây ra nỗi đau và tin rằng nguồn đó chỉ mang tính tạm thời.
Bi quan là gì? là khi chúng ta đổ lỗi cho một điều gì đó vĩnh viễn mà chúng ta không thay đổi được.

Làm sao để hy vọng và lạc quan? 
Bước 1: xây dựng cho mình một tư duy tăng trưởng (growth mindset), tức điều gì chúng ta cũng đều có thể học hỏi và cải tiến được chứ chúng ta không dậm chân tại chỗ. 
Bước 2: tự nói với chính mình những điều tích cực và lạc quan 
Bước 3: bền bỉ vượt qua hoàn cảnh khó khăn
Bước 4: tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người (đây chính là lúc chúng ta xây dựng grit từ bên ngoài)

Phần 3: Xây dựng grit từ bên ngoài
I. Vai trò của cha mẹ hoặc người thân
Có 4 loại hình dạy dỗ con cái, trong đó quan trọng nhất là dạy dỗ khôn khéo (wise parenting): vừa hỗ trợ vật chất và tinh thần cho con vừa đòi hỏi con phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định mà cha mẹ đặt ra.

II. Sân chơi để xây dựng grit:
Grit là một tính cách mà chúng ta có thể xây dựng được thông qua các môn thể thao hay âm nhạc, gọi chung là các hoạt động ngoại khoá. Ví dụ bạn đăng ký lớp học võ karate. Nếu bạn có thể bền bỉ học xong năm đầu và tiếp tục đăng ký năm thứ 2, bạn đang tăng dần tính grit cho mình. Nếu bạn duy trì việc học võ suốt 10 năm, bạn đã trở thành ngừoi rất grit. Nhờ những bài học bạn thu được từ tính bền bỉ học võ mà khi làm bất cứ điều gì bạn cũng có thể có grit cả. Theo nhà tâm lý Robert Eisenberger thì tính siêng năng không phải bẩm sinh mà là do học được (learned industriousness). Bạn siêng năng khi bạn trải nghiệm trực tiếp được giá trị của nổ lực; nếu không bạn sẽ lười biếng.

III. Xây dựng văn hoá grit:
Phần này giống như tục ngữ Việt Nam: 
Chọn bạn mà chơi 
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Nếu bạn chơi với những người có grit thì dù muốn dù không bạn cũng sẽ bắt chước họ và cũng trở nên grit. Đây là sức mạnh của văn hoá tập thể. Xa hơn nữa, văn hoá sẽ tạo ra nhân dạng (identity) của bạn. Khi có nhân dạng, bạn sẽ hành động mà không nghĩ tới những điều lỗ lãi. Giống như tinh thần yêu nước, nếu bạn tin rằng tính cách của người Việt là siêng năng cần cù thì khi gặp khó khăn bạn sẽ quyết tâm không lùi bước để xứng đáng là người Việt. Giống như người Phần Lan, trong Thế Chiến II họ đã vì tinh thần sisu của dân tộc mà chống chọi quân Phát Xít.

Làm thế nào để xây dựng văn hoá grit? 
Cách của Anson Dorrance và trường West Point:
– Liên tục thử nghiệm, cách nào hiệu quả thì đào sâu vào cách ấy
– Xây dựng giá trị cốt lõi cho cả nhóm bằng những từ khoá ngắn gọn và súc tích
– Học thuộc lòng những giá trị đó và lặp đi lặp lại hằng ngày để tâm trí luôn hiện hữu
– Nói từ gì thì phải hành động cho đúng với từ đó

Cách của đội bóng bầu dục Seahawks:
– Tạo ra tinh thần cạnh tranh: cạnh tranh không phải để có người thắng kẻ thua mà để học hỏi và cải thiện chính bản thân mình 
– Kết thúc mạnh mẽ (finish strong): bắt đầu làm việc gì một cách nồng nhiệt thì ai cũng làm được, nhưng duy trì sự nồng nhiệt ấy xuyên suốt quá trình cho tới hết mới là cái quan trọng. 
– Đặt tinh thần đồng đội lên trên 
– Luôn sớm nhất: đó là phải luôn chuẩn bị chu đáo mọi thứ.

P.S. Bài viết là cách diễn giải của mình nên có thể không hoàn toàn chính xác như sách.

review by: Vũ Lê – Huy Trần

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here