Một chỗ trong đời – Nỗi cô đơn của nhà văn

Dưới đây là review của bạn Tuyết Phạm về cuốn sách:

Nếu như bạn muốn thử đọc một cuốn sách theo lối viết hờ hững đến lạnh lùng thì chắc rằng “Một chỗ trong đời” là một lựa chọn tuyệt vời. Đây là một cuốn tự truyện của tác giả kể về người cha sau khi ông từ giã cõi đời. Dưới ngòi bút không cảm xúc, hình ảnh người cha xuất thân từ tầng lớp nông dân đã vất vả vươn lên trở thành công nhân và cuối cùng là ông chủ của tiệm café và tạp hóa.

Từng trang sách là những bậc thang mà người cha này bước lên để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và hòa nhập vào thế giới trí thức, tư sản “bước chân ra khỏi cuộc sống bần hàn thô kệch và bước vào thế giới của trí thức, tư sản”. Ông cố gắng điều chỉnh tất cả mọi thứ để xóa bỏ sự quê mùa, thô kệch nhưng ông vẫn không thể hòa nhập vào thế giới ấy bởi ngôn ngữ của ông vẫn là ngôn ngữ của một người nông dân.

Tuy vậy, ông vẫn nỗ lực để con gái mình được ăn học và bước chân vào thế giới tư sản. Khi con ông đã bước chân vào đấy thì lại có một cái hố đào giữa chính ông và con của mình. Cái hố đấy mang tên giai cấp, mang tên ngôn ngữ. “Trong các ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc”.

Nếu bạn đọc vội vàng chắc hẳn không cảm nhận được tình thương của ông dành cho cô con gái và của cô con gái dành cho ông. Ông đã cố gắng hết sức để con gái mình có được một tuổi thơ trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ. Ông cố gắng không làm con gái mất mặt trước bạn bè vì xuất thân cơ cực của mình. Tình thương của ông không phải là ánh mắt, nụ cười mà là hành động. “Có lẽ niềm tự hào lớn nhất đối với ông, hay thậm chí là lời biện minh cho cuộc đời ông: là tôi đang thuộc về thế giới từng khinh miệt ông.” Đừng nghĩ giọng văn lạnh lùng, khô khan này không thể truyền tải cảm xúc.

Chỉ với 98 trang và cách viết giản dị, trung lập này có thể làm bạn giật mình, vô thức nhíu mày, cảm thấy xúc động và đau đớn. Nó có thể làm cho bạn ngẩn ngơ một hồi lâu sau khi đã khép lại trang sách.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here