KHÔNG CÓ GÌ GỌI LÀ LƯỜI BIẾNG, CHỈ CÓ NHỮNG RÀO CẢN VÔ HÌNH
Tôi đã trở thành một giáo sư tâm lý học từ năm 2012. Trong vòng 6 năm vừa qua, tôi đã chứng kiến học sinh ở mọi độ tuổi trì hoãn bài tập, trốn các buổi thuyết trình, lỡ các bài luận văn, và để những hạn nộp bài tập trôi qua. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sinh viên có triển vọng tốt nghiệp trong tương lai thất bại trong việc nộp hồ sơ đúng hạn. Tôi đã chứng kiến những học viên bậc Tiến sĩ dành hàng tháng, hàng năm ôn tập lại một bản nháp luận văn. Có một lần, tôi có học sinh đăng ký cùng một lớp của tôi hai học kì liên tiếp, và không bao giờ nộp một bài tập nào trong cả hai lần.
Tôi không nghĩ lười biếng là một lỗi lầm. Không bao giờ.
Thực tế, tôi không tin rằng sự lười biếng tồn tại.
Là một nhà tâm lý học xã hội, vì vậy tôi có hứng thú chủ yếu với những yếu tố về tình huống và hoàn cảnh thúc đẩy hành vi con người. Khi bạn đang tìm cách để dự đoán hoặc giải thích hành động của một người, nhìn vào các chuẩn mực của xã hội, và hoàn cảnh của người đó, thường là một ván cược khá an toàn. Những hạn chế về mặt hoàn cảnh thường dự đoán hành vi tốt hơn tính cách, sự thông minh, hay những đặc điểm ở mức độ cá nhân khác.
Vì vậy, khi tôi thấy một học sinh thất bại trong việc hoàn thành bài luận, nộp bài không đúng hạn hay không đạt được thành tựu trong các mặt khác của cuộc sống, tôi lại tự hỏi mình rằng: những yếu tố tình huống nào đang giữ chân học sinh này lại? Những nhu cầu nào hiện chưa được đáp ứng? Và, khi nhắc tới hành vi “lười biếng”, tôi đặc biệt muốn hỏi: có phải có những rào cản nào mà chúng ta không thể nhìn ra?
Luôn luôn có những rào cản. Việc nhận ra những rào cản ấy và xem chúng là chính đáng thường là bước đầu tiên để phá vỡ những chuỗi hành vi “lười biếng”.
Việc phản ứng lại một hành vi kém hiệu quả của một người bằng sự tò mò hơn là sự đánh giá thực sự rất có ích. Tôi học được điều này từ một người bạn của tôi, một nhà văn – nhà hoạt động Kimberly Longhofer (người xuất hiện dưới nghệ danh Mik Everett). Kim rất đam mê về sự chấp nhận và những thỏa hiệp của người khuyết tật và người vô gia cư. Viết về cả hai chủ đề này là một vài trong những công việc đã giúp tôi soi sáng, phá vỡ thành kiến nhất. Một phần bởi vì Kim rất thông minh, nhưng cũng bởi vì ở rất nhiều thời kiểm trong cuộc sống, Kim đã từng là cả người khuyết tật lẫn vô gia cư.
Kim là người đã dạy tôi rằng, việc phán xét một người vô gia cư vì họ muốn mua rượu hay thuốc lá là hoàn toàn điên rồ. Khi bạn vô gia cư, những buổi đêm thì lạnh, thế giới thì không thân thiện, và mọi thứ đều thiếu thoải mái tới mức đau đớn. Dù bạn có ngủ dưới cầu, trong lều hay tại một nơi ẩn náu, rất khó để nghỉ ngơi một cách trọn vẹn. Bạn sẽ dễ bị thương hoặc những căn bệnh mãn tính sẽ làm phiền bạn không ngừng nghỉ. Bạn cũng có thể không có nhiều thực phẩm lành mạnh.
Trong hoàn cảnh bất tiện liên tục, kích thích quá mức như vậy, việc cần tới một ly rượu hay một vài điếu thuốc là điều rất dễ hiểu. Kim giải thích với tôi, nếu bạn đang nằm ngoài trời lạnh buốt, uống một chút cồn dường như là cách duy nhất để sưởi ấm và đi ngủ. Nếu bạn đang thiếu dinh dưỡng, một vài điếu thuốc có thể là cách duy nhất để dập tắt những cơn đói cồn cào. Và, nếu bạn đang chống chọi với cả hai khi đang vật lộn với cơn nghiện, thì đúng vậy, đôi khi bạn chỉ cần làm bất kì điều gì khiến những triệu chứng khó chịu ấy biến mất để bạn có thể sống sót.
Ít người chưa từng vô gia cư sẽ nghĩ theo cách này. Họ muốn đạo đức hóa những quyết định của người nghèo, có chăng là để an ủi họ về sự bất công của thế giới. Đối với nhiều người, sẽ dễ dàng hơn nếu nghĩ rằng những người vô gia cư phần nào chịu trách nhiệm cho sự khốn khổ của họ, hơn là thấu hiểu những yếu tố về hoàn cảnh.
Và khi bạn không hoàn toàn hiểu hoàn cảnh của một người – cảm giác như thế nào khi là họ mỗi ngày, tất cả những phiền phức nhỏ nhặt và những chấn động lớn tạo nên cuộc đời họ – bạn sẽ dễ dàng đặt những kỳ vọng trừu tượng, nghiêm khắc lên hành vi của họ. Tất cả những người vô gia cư nên đặt chai rượu xuống và bắt đầu làm việc. Đừng để tâm tới việc hầu hết bọn họ có những triệu chứng sức khỏe tâm lý và bệnh tật, đang liên tục vật lộn để được công nhận là một con người. Đừng để tâm tới việc họ không có được một giấc ngủ ngon hay một bữa ăn đủ chất trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Đừng để tâm tới việc kể cả trong cuộc sống thoải mái, dễ dàng của bản thân, tôi không thể thỉnh thoảng không thèm một ly hay mua hàng một cách vô trách nhiệm. Họ phải làm tốt hơn.
Nhưng họ đã đang làm tốt nhất họ có thể. Tôi từng biết những người vô gia cư với những công việc toàn thời gian, và dành toàn bộ tâm huyết của họ để quan tâm tới những người khác trong cộng đồng họ. Rất nhiều người vô gia cư phải liên tục xoay xở với những sự quan liêu, giao tiếp với nhân viên xã hội, nhân viên cảnh sát, nhân viên chỗ ở, nhân viên trợ cấp y tế, và hàng loạt các tổ chức từ thiện vừa có ý tốt lại vừa có vẻ chiếu cố. Có rất nhiều việc mà người vô gia cư phải làm. Và, khi một người vô gia cư hay nghèo khó kiệt sức và có một “quyết định tồi tệ”, thì luôn có một lý do chính đáng cho nó.
Nếu hành động của một người không có lý đối với bạn, đó là bởi vì bạn đang không nhìn thấy một phần của hoàn cảnh của họ. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Tôi rất biết ơn Kim và bài viết của họ đã khiến tôi hiểu ra sự thật này. Không có lớp học tâm lý nào, ở bất kỳ cấp độ nào, dạy được cho tôi điều này. Nhưng giờ đây, khi nó đã trở thành lăng kính của tôi, tôi áp dụng nó vào mọi hành vi bị nhầm lẫn với dấu hiệu của sự thất bại về mặt đạo đức, và tôi chưa tìm thấy vấn đề nào không thể được giải thích hay cảm thông.
Hãy cùng nhìn vào một dấu hiệu của sự “lười biếng” trong học tập mà tôi tin là bất cứ điều gì ngoại trừ nó: sự trì hoãn.
Mọi người rất thích đổ lỗi cho những người trì hoãn cho hành vi của họ. Dưới một con mắt chưa được rèn luyện, trì hoãn công việc chắc chắn có vẻ là lười biếng. Ngay cả những người đang chủ động trì hoãn có thể bị nhầm lẫn hành vi của họ với sự lười biếng. Bạn lẽ ra phải làm điều gì đó, và bạn đang không làm nó – đó là một sự thất bại về mặt đạo đức đúng không? Điều đó nghĩa là bạn thiếu ý chí, thiếu động lực, và lười biếng, có phải không?
Hàng thập kỷ đã qua, nghiên cứu về tâm lý đã có thể giải thích sự trì hoãn là một vấn đề về mặt chức năng, không phải hệ quả của sự lười biếng. Khi một người thất bại trong việc bắt đầu một dự án, đó thường là do:
1. nỗi lo lắng về những nỗ lực của họ là “không đủ” hoặc
2. bối rối về những bước đầu tiên của công việc, không phải do sự lười biếng. Thực tế, sự trì hoãn thường diễn ra hơn khi công việc đó có ý nghĩa và cá nhân ấy quan tâm tới việc làm nó thật tốt.
Khi bạn bị tê liệt bởi nỗi sợ thất bại, hoặc bạn không biết cách để bắt đầu một công việc to lớn, phức tạp, rất khó để hoàn thành công việc. Nó không liên quan gì tới mong muốn, động lực hay sự nâng cao về mặt đạo đức. Những người trì hoãn có thể tự làm việc hàng tiếng đồng hồ. Họ có thể ngồi trước một tài liệu trắng tinh, không làm một việc gì khác, và hành hạ bản thân; họ có thể chồng chất cảm giác tội lỗi lặp đi lặp lại – không việc gì trong số đó khiến việc bắt đầu công việc dễ hơn. Thực tế, mong muốn hoàn thành công việc của họ có thể khiến nỗi lo lắng tệ hơn và khiến công việc khó khăn hơn.
Giải pháp ở đây là tìm kiếm điều đang giữ chân họ. Nếu nỗi lo lắng là rào cản chính, người trì hoãn thực sự cần phải đi ra khỏi chỗ máy tính/ cuốn sách/ tài liệu và tham gia một hoạt động thư giãn. Bị gắn mác “lười” bởi những người khác sẽ dễ dàng dẫn tới phản ứng ngược lại hơn.
Tuy vậy, thường rào cản là khi những người trì hoãn có những thách thức về khả năng thực hiện – họ vật lộn để phân bổ trọng trách lớn thành chuỗi những công việc rời rạc, cụ thể và có hệ thống. Đây là một ví dụ về khả năng thực hiện công việc: tôi đã hoàn thành luận văn (từ bản đề xuất tới thu thập dữ liệu tới bảo vệ) trong vòng hơn một năm một chút. Tôi đã có thể viết luận văn khá dễ dàng và nhanh chóng bởi vì tôi biết rõ tôi phải
a) thu thập nghiên cứu về chủ đề
b) viết dàn ý luận văn
c) xếp lịch những thời gian viết đều đặn
d) tỉa tót bài từng phần một, ngày qua ngày, theo lịch tôi đã định sẵn.
Không có ai dạy tôi chia nhỏ các phần việc ra như vậy, và cũng không ai phải bắt ép tôi tuân theo lịch của tôi. Hoàn thành các phần việc như vậy đồng nghĩa với việc bắt bộ não tôi phải phân tích, tập trung cao độ. Hầu hết mọi người không thấy điều đó dễ dàng. Họ cần bộ khung bên ngoài để giữ họ viết – những buổi họp nhóm luyện viết thường xuyên với bạn bè chẳng hạn – và thời hạn được quyết định bởi người khác. Khi đối mặt với một dự án lớn, đồ sộ, hầu hết mọi người muốn lời khuyên về cách chia nó thành những phần việc nhỏ hơn, và mốc thời gian để hoàn thành. Để theo dõi tiến độ, hầu hết mọi người cần tới những công cụ tổ chức, ví dụ như danh sách việc cần làm, lịch, sổ ghi ngày, hay sườn công việc.
Cần tới hay nhận lợi ích từ những thứ đó không khiến một người lười biếng. Nó chỉ có nghĩa là họ có nhu cầu. Chúng ta càng đón nhận điều đó, chúng ta càng có thể giúp đỡ người khác phát triển hơn.
***
Tôi từng có một học sinh trốn học. Thỉnh thoảng tôi thấy cô ấy lần lữa gần tòa nhà, ngay trước khi lớp học chuẩn bị bắt đầu, với dáng vẻ mệt mỏi. Khi lớp học bắt đầu tôi lại chẳng thấy cô ấy đâu cả. Khi có mặt ở lớp, cô trông khá xa cách. Cô ngồi ở cuối phòng, mắt cụp xuống, thiếu năng lượng. Cô ấy có đóng góp trong những bài tập nhóm nhỏ, nhưng không bao giờ nói trong những cuộc thảo luận quy mô lớp học.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi nhìn vào học sinh này và nghĩ cô ấy lười biếng, vô tổ chức hoặc lãnh đạm. Tôi biết điều này bởi tôi đã từng nghe thấy họ nói về những học sinh kém. Thường sẽ có sự giận giữ và oán trách trong từ ngữ và tông giọng của họ – Tại sao học sinh này không coi trọng lớp học của tôi? Tại sao chúng không khiến tôi thấy bản thân quan trọng, thú vị, thông minh?
Nhưng lớp học của tôi có một tiết học về sự kì thị sức khỏe tinh thần. Đó là đam mê của tôi, bởi tôi là một nhà tâm lý học thần kinh. Tôi biết lĩnh vực của tôi bất công như thế nào đối với những người như tôi. Lớp học và tôi đã nói về những phán xét bất công mà mọi người đặt lên những người có vấn đề về tâm lý; về sự trầm cảm bị diễn giải thành lười biếng như thế nào; sự thay đổi tâm trạng bị đóng khung thành sự thao túng, những người với những vấn đề tâm lý “trầm trọng” bị coi là bất tài và nguy hiểm ra sao.
Cô bé sinh viên im lặng, thường-xuyên-trốn-học đã theo dõi cuộc thảo luận này với một sự hứng thú. Sau lớp học, khi mọi người lần lượt ra khỏi lớp, cô ấy đã nán lại và đề nghị nói chuyện với tôi. Sau đó, cô ấy đã tiết lộ rằng cô ấy có vấn đề về tâm lý và đang chủ động tìm cách để chữa trị nó. Cô ấy quá bận bịu với những buổi trị liệu và thay đổi phép trị liệu, cùng tất cả những tác dụng phụ đi kèm. Đôi khi cô ấy không thể rời khỏi nhà hay ngồi im trong lớp hàng tiếng đồng hồ. Cô ấy không dám nói với những giáo sư khác rằng đó là lý do cô ấy vắng mặt trong các buổi học và đôi khi nộp bài muộn. Họ sẽ nghĩ cô ấy đang dùng bệnh của mình để ngụy biện, nhưng cô ấy tin tưởng rằng tôi sẽ hiểu.
Và tôi hiểu, nên tôi đã rất giận dữ rằng người học sinh này đã bị bắt phải cảm thấy có trách nhiệm với những triệu chứng của mình. Cô ấy phải cân bằng lượng bài tập của cả khóa, một công việc bán thời gian, và một khóa trị liệu vấn đề tâm lý nghiêm trọng vẫn đang diễn ra. Cô ấy có khả năng hiểu về nhu cầu của mình và truyền đạt chúng tới những người khác. Cô ấy thật sự rất ngầu, chứ không phải một kẻ lười biếng. Tôi đã nói với cô ấy như vậy.
Cô ấy đã tham gia thêm rất nhiều lớp học khác của tôi sau đó, và tôi chứng kiến cô ấy dần dần thoát khỏi vỏ ốc của mình. Khi tới năm ba và năm tư, cô ấy trở thành một người đóng góp chủ động, thẳng thắn trong lớp – thậm chí cô còn quyết định nói chuyện cởi mở với bạn bè về bệnh tâm lý của cô. Trong suốt những buổi thảo luận trên lớp, cô ấy thách thức tôi và hỏi những câu hỏi tuyệt vời, sâu sắc. Cô ấy chia sẻ hàng tá ví dụ về truyền thông và những sự kiện hiện tại đang diễn ra về hiện tượng tâm lý với chúng tôi. Khi cô ấy có một ngày tồi tệ, cô ấy sẽ bảo tôi, và tôi để cô ấy nghỉ lớp học. Các giáo sư khác – bao gồm cả những người trong ban tâm lý học – vẫn giữ nguyên định kiến về cô ấy, nhưng trong một môi trường mà những rào cản của cô ấy được nhận ra và công nhận, cô ấy phát triển.
Qua nhiều năm, vẫn ở trường học ấy, tôi bắt gặp rất nhiều học sinh khác bị đánh giá thấp vì những rào cản trong cuộc sống của họ không được coi là chính đáng. Có một chàng trai trẻ bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) luôn tới lớp muộn vì những thôi thúc nhiều khi khiến anh mắc kẹt. Có một người sống sót qua một mối quan hệ lạm dụng, người đã xử lý chấn thương của cô ấy trong những buổi hẹn trị liệu ngay trước lớp học của tôi hàng tuần. Có một cô gái trẻ từng bị hành hung bởi bạn học vẫn tiếp tục đi học lớp học có người bạn ấy trong khi nhà trường còn đang điều tra về sự việc.
Những học sinh này đều tự nguyện đến với tôi và chia sẻ điều gì đang làm phiền họ. Vì tôi thảo luận về bệnh tâm lý, chấn thương và sự kỳ thị tại lớp học của tôi, họ biết rằng tôi sẽ hiểu. Và, với một vài sự sắp xếp, họ phát triển rực rỡ trong việc học tập. Họ lấy được sự tự tin, nỗ lực trong các bài tập khiến họ sợ, cải thiện điểm số, bắt đầu cân nhắc tới việc học cao lên và thực tập. Tôi luôn cảm thấy ngưỡng mộ họ. Khi tôi còn là sinh viên đại học, tôi không hề có nhận thức về bản thân. Tôi thậm chí còn chưa bắt đầu dự án trọn đời của mình về việc học cách để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sinh viên với những rào cản ấy không phải lúc nào cũng được đối xử tốt như vậy bởi những đồng nghiệp giáo sư tâm lý học của tôi. Cụ thể, một đồng nghiệp của tôi còn nổi tiếng với việc không cho thi lại và không chấp nhận tới muộn. Bất kể tình huống của sinh viên thế nào, cô ấy sẽ cứng nhắc không xê dịch chút nào trong những yêu cầu của cô ấy. Không có rào cản nào là không thể vượt qua, trong tâm trí của cô ấy; không hạn chế nào được chấp nhận. Sinh viên lúng túng trong lớp học của cô ấy. Họ cảm thấy xấu hổ với lịch sử bị tấn công tình dục, triệu chứng lo sợ, những giai đoạn trầm cảm của họ. Khi một sinh viên thể hiện không tốt trong những lớp của cô ấy thể hiện tốt trong lớp của tôi, cô ấy sẽ nghi ngờ.
Đối với tôi, việc bất kỳ một người làm giáo dục nào tỏ ra hiềm khích với những người lẽ ra họ phải phục vụ là không chấp nhận được về mặt đạo đức. Nó thực sự đáng tức giận hơn khi mà người tạo ra sự khủng bố này lại là một nhà tâm lý học. Sự bất công và phớt lờ vấn đề này khiến tôi muốn khóc mỗi khi thảo luận. Nó là thái độ phổ biến trong rất nhiều vòng tròn giáo dục, nhưng không học sinh nào đáng phải chịu đựng nó cả.
Dĩ nhiên, tôi biết rằng những người làm giáo dục không được dạy để suy ngẫm những rào cản vô hình mà sinh viên gặp phải là gì. Một vài trường đại học tự hào rằng họ từ chối việc thỏa hiệp với những sinh viên có bệnh hay khiếm khuyết về tâm lý – họ nhầm lẫn sự nghiêm khắc với sự tàn nhẫn. Bởi hầu hết những giáo sư là những người thành công về mặt học thuật một cách dễ dàng nên họ gặp phải vấn đề trong việc chấp nhận quan điểm của một người gặp những khó khăn về chức năng, quá tải về cảm xúc, trầm cảm, lịch sử tự làm hại, nghiện, hay rối loạn ăn uống. Tôi có thể thấy những yếu tố bên ngoài dẫn tới những vấn đề này. Giống như tôi biết rằng hành vi “lười biếng” không phải một sự lựa chọn chủ động, tôi biết rằng phán xét, thái độ trịch thượng thường được sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết về tình huống.
Và, đó là lý do tôi đang viết bài này. Tôi mong có thể thức tỉnh những người làm giáo dục giống như tôi – ở mọi cấp độ – nhận ra thực tế rằng nếu một sinh viên đang phải vật lộn, họ có thể không lựa chọn điều đó. Họ có thể muốn làm tốt, có thể đang cố gắng. Rộng hơn, tôi muốn tất cả mọi người chọn cách tiếp cận với sự ham hiểu biết và đồng cảm đối với những cá nhân mà họ ngay từ đầu muốn phán xét là “lười biếng” hay vô trách nhiệm.
Nếu một người không thể ra khỏi giường, điều gì đó đang khiến họ kiệt sức. Nếu một sinh viên không viết bài, có những khía cạnh nào đó của bài tập họ không thể làm mà không cần sự giúp đỡ. Nếu một nhân viên thường xuyên lỡ hạn chót, điều gì đó đang khiến việc tổ chức công việc và hoàn thành đúng hạn trở nên khó khăn. Kể cả một người chủ động chọn việc tự làm hại bản thân, phải có lý do cho điều đó – những nỗi sợ họ phải đối mặt, những nhu cầu chưa được thỏa mãn hay thiếu đi lòng tự trọng?
Con người không lựa chọn thất bại. Không ai muốn cảm thấy kém cỏi, hay kém hiệu quả. Nếu bạn nhìn vào hành động của một người và chỉ nhìn thấy sự lười biếng, bạn đang bỏ lỡ những chi tiết cốt yếu. Luôn có cách giải thích. Luôn có những rào cản. Chỉ bởi vì bạn không thể thấy chúng, hay bạn không coi chúng là chính đáng, không đồng nghĩa với việc chúng không ở đó. Hãy nhìn kỹ hơn.
Có thể bạn đã không luôn nhìn nhận về hành vi của con người theo cách này. Điều đó không sao cả. Bây giờ thì bạn có thể rồi. Vậy nên, hãy thử xem sao.
Theo Medium | Mai Chiêu (biên dịch) – Theo Tramdoc.vn