Ngọn núi ảo ảnh – Hoàng Phủ Ngọc Tường

Năm đó, kết thúc những tháng xuống đường sôi động ở Huế, tôi lên Bạch Mã để tìm kiếm chút yên tĩnh mà tôi rất thèm khát, với ý định đánh cắp thời cuộc một chút nhàn sầu, để chiêm nghiệm những khám phá siêu hình học về cái chết. Mặc dù các em gái xinh đẹp luôn luôn che miệng cười, tôi vẫn đoán chắc rằng con người sẽ sống đỡ ngu xuẩn hơn, chừng nào hắn còn biết dành ít thì giờ để tò mò về cái chết, cái chết của chính hắn.

Vào Nouvel An (năm mới) thời tiết rất đẹp. Tôi được giới thiệu tìm đến cư ngụ trong ngôi nhà vắng chủ của Bạch Mã. Ngôi nhà vẫn nguyên vẹn, nhưng không có người coi sóc, còn lại vài thứ đồ gỗ sơ sài, vài ô cửa để ngỏ vì cánh cửa đã bị hỏng. Vườn đầy hoa, và một loài cây gì tôi không biết, cành rất dài và sum suê ngã rạp xuống thành một cái giàn che kín mặt đất. Tôi luồn tay xuống bên dưới thử mò xem, đụng phải rất nhiều trái chín; bèn hái lên xem, thì ra là những trái hồng to và đỏ như những trái cà chua chín. Những ngày ở Bạch Mã, tôi như một con sóc hoang dã, tha hồ ăn trái cây trong một vườn hồng vô chủ.

Những ngày này, Bạch Mã rất nhiều mây. Điều này làm trở ngại công việc của tôi. Mây đặc quánh, lừng lững vào đầy phòng, vờn vẽ trên những trang triết học buồn bã của Clement Rosset làm cho tôi mờ mắt, chóng mặt như vớ phải “Cửu Âm Chơn Kinh”! Tôi xếp sách, đi ra ngoài. Ừ, thì cứ lang thang trong rừng, mây nhiều như thế này biết đâu chẳng gặp tiên …

Và tôi đã gặp nàng!

Nàng mặc áo lụa trắng, quàng khăn len tím, ngồi mơ mộng giữa đám hoa rừng. Dưới ánh nắng rẻ quạt vàng mật ong xuyên qua tấm thông, trông nàng đẹp như tiên nữ. Một mình giữa cỏ hoa, tiên nữ nhiều khi cũng buồn, nên vừa gặp tôi niềm vui toả sáng trên gương mặt Nàng.

– Không ngờ gặp anh ở đây.

Tự nhiên tôi đâm ra lúng túng. Bèn chắp tay với Nàng:

– Ủa … Sao cô nương lại biết đến kẻ hèn mọn này?

– Nhà ngươi là một kẻ mơ mộng khét tiếng giang hồ. Sao ta lại không biết?

Nàng cũng nghiêm mặt nhại giọng Kim Dung, rồi cười phá lên.

Hóa ra là “Lục cô nương” của những năm trước. Tôi đã từng lẽo đẽo theo sau Nàng qua một mùa mưa Huế, chỉ để nhìn đôi gót chân đỏ hồng của Nàng ẩn hiện theo nhịp bước trên đôi guốc ĐaKao, dáng nhẹ nhõm trong chiếc áo mưa màu lục tươi, trẻ trung như màu lá mùa tựu trường. Chưa bao giờ tôi có dịp nhìn đầy đủ gương mặt của Nàng, cứ hẹn lại một ngày đẹp trời … Mùa mưa sau, có lúc sực nhớ, tôi trở lại đường cũ tìm Nàng, nhưng không thấy bóng dáng đâu nữa. “Hay là Lục cô nương đã thay màu áo khoác?” Tôi ngẩn ngơ tự hỏi. Giờ mới biết, sau đó nàng đã theo gia đình dọn vào Sài Gòn. Tôi nhận ra Nàng qua một vài chi tiết trong lời “tự bạch” loáng thoáng của Nàng, còn mọi diễn biến trong kí ức tôi lúc này thì Nàng không hề hay biết, chỉ mãi ríu rít về chuyện cây cối:

– Loại lan này ở đây nhiều ghê. Nó sống nhiều nhất ở Ấn Độ, nhưng bên ấy hoa nhiều hơn, có thể đến tám hoa trên một cây. Vì hình dáng đặc biệt của nó, người Pháp gọi là Bambou Orchide – Lan Tre.

Nàng chỉ đám hoa rừng mọc đầy chung quanh những cây lan chỉ thiên màu tím và trắng, thật ra nhìn dáng giống cây mía hơn là cây tre. Nàng hồn nhiên theo đuổi sự say mê riêng của mình:

 – Lan Bạch Mã quả là mê hồn. Phong lan nhiều loại quý, còn địa lan tràn trề thiên địa, phải nói là cả một lục địa dồn về nơi núi này. Em nghe nói Bạch Mã cũng có Paphiopedilum delanatii, định lên đây tìm, lan Hài Đỏ này quý lắm, sản vật riêng của rừng Việt Nam, thế giới không nơi nào có. Nhiều loại khác cũng là lan quý, ở đây mọc tràn với cỏ, như là Paphiopedilum callosum, hoặc là Phajus flavus.

Tôi nhăn nhó:

 – Tôi rất sợ gọi tên hoa bằng tiếng la tinh!

– Xin lỗi, em quen miệng. Hài Đỏ này, Hài Vệ Nữ này, Hạc Đính Vàng nữa này. À, Bạch Mã còn một thứ lan không phải loại hiếm, nhưng hình dáng rất dễ thương gọi là Cò Môi Đỏ. Anh đã thấy lan này bao giờ chưa?

– “Có, có một lần”. Tôi gật đầu, và chỉ vào đôi môi hạnh đào của Nàng. Nàng cười lảnh lót vang rừng, như tiếng chim vành khuyên.

Nàng cùng gia đình từ Sài Gòn về nghỉ Noel ở một biệt thự màu trắng, tôi còn nhớ, nơi ven bìa công viên Đá Reo. Chúng tôi ngồi chơi dưới khóm cây bạch dương ngoài vườn cỏ xanh mượt, nơi có nhiều nắng ấm. Câu chuyện của chúng tôi sáng hôm ấy, trong sương mù:

– Triết học của anh buồn quá! Hay là anh cùng với em nghiên cứu về hoa đi cho vui, nghe anh.

 – Tôi có nghiên cứu về một loài hoa duy nhất, là hoa phù dung.

Nàng vỗ tay reo mừng:

 – Vậy là em được là đồng nghiệp của anh rồi. Anh cho phép em sẽ giới thiệu nhé. Theo em biết thì đề tài chuyên biệt này chưa có ai đụng tới cả.

Tôi vẫn giữ vẻ mặt nghiêm chỉnh:

– Chắc chắn là mới lạ, và cả chính em cũng đang ngạc nhiên.

Nàng hơi nhướng mày, và sau đó chăm chú nghe. Đôi mắt nàng lúc này mở to, đen huyền và sâu thẳm như đôi giếng.

 … Khi Adam Và Eva bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng đi về phía đông, vật lạ họ gặp đầu tiên là một bông hoa màu trắng. Trắng tinh khôi, hơn tất cả màu trắng trên Địa Đàng, có lẽ chỉ những linh hồn chưa hề phạm tội mà các thiên thần thường nói mới sánh được màu trắng của đóa hoa này. Adam bèn hái hoa cài lên băng che ngực bằng lá nho của Eva; lúc này nàng bắt đầu biết bối rối vì xấu hổ trước mặt còn có Xa Tăng. Đến trưa, ngồi nghỉ dưới bóng những cây cọ sa mạc, Adam vô cùng kinh ngạc, khi nhìn bong hoa đã đổi sang màu hồng. Chàng xúc động nói: “Địa Đàng không có loài hoa nào hồng thắm như thế này, ngoài gương mặt của nàng. Ta sẽ giữ gìn vật lạ này mãi mãi cho riêng nàng”. Đến chiều lại ngồi nghỉ, Adam chợt thét lên một tiếng kinh hoàng, bông hoa tuyệt vời của chàng đã rũ xuống, tím bầm như một vết thương trên ngực Eva.

Xa Tăng nói bằng giọng trầm tĩnh của một người đã thông tuệ hết mọi điều: Nơi các người đang đến định cư gọi là trần gian. Ở đó, tất cả đều như bông hoa này, là đẹp và chóng qua, kể cả màu tóc xanh của ngươi và sắc đẹp của nàng. Đừng ngoái lại Thiên Đường làm gì, Vĩnh Hằng đang ở sau lưng các ngươi, và trước mặt là Cát Bụi. Chỉ một điều đáng giá hãy nhớ lấy là các ngươi từ đây đã trở thành con vật biết đau khổ.

Xa tăng từ biệt xoay về, đầu cúi xuống với dáng của một người kiêu hãnh trong nỗi cô đơn của mình. Hai người chợt ồ lên, kinh ngạc khi không còn thấy cái “đuôi quỷ” đằng sau ông; nó đã rụng mất đâu từ lúc ông quay lưng về phía Địa Đàng.

Adam ngồi xuống chống tay ôm trán, trong khi Eva bật lên những tiếng thổn thức mà lần đầu tiên chàng được biết đến ở nơi người đàn bà yêu dấu. Chàng quỳ xuống nâng niu đóa hoa héo khô, và khi hôn lên mắt nàng, càng ngạc nhiên biết bao khi nếm phải những giọt nước mắt có vị mặn.

Từ phút đó, loài người chợt nhiên ngộ đạo về toàn bộ bản chất của cõi nhân gian nơi họ sinh sống, và đặt tên cho vật lạ thức tỉnh kia là HOA PHÙ DUNG …”

Nàng – người đang đối diện với tôi, không phải là Eva – rung động trên đôi vai tròn dưới chiếc áo len màu xanh da trời.

– Anh lôi từ đâu ra cái câu chuyện hắc ám đó?

 – Đấy là “huyền thoại” về hoa phù dung đầu tiên. Tôi đọc trong Kinh Thánh.

Nàng bĩu môi – nhưng tôi lại nhìn thấy vẻ đào yêu của một trái chín.

 – Kinh thánh riêng của anh!

Nắng vàng lạnh, sương phủ khắp khu vườn. Nàng theo tôi ra cổng, dừng lại bên những cây mimosa sáng bừng trong màu hoa vàng tươi; những chùm hoa ở gần nhả hương nồng, giống như mùi phấn hương riêng của những chiếc khăn tay thiếu nữ. Sương mù len lỏi trong tóc Nàng, vướng vít trên áo xanh của Nàng, và Nàng cười dịu dàng, nói “Ở đây lâu, chắc em cũng thành sương mù mất thôi”.

Tôi lại đến rủ Nàng đi chơi, và khi Nàng vội vã nhét áo mưa vào túi xách, tôi chợt nhận ra màu áo lục tươi năm nọ. Tôi thẫn thờ một mình:

 – Thì ra Lục cô nương vẫn giữ nguyên màu áo ấy!

Nàng ngước nhìn tôi bằng một thoáng dò hỏi. Chợt hiểu ra, Nàng cúi xuống, lẩm bẩm đằng sau mớ tóc che nửa mặt.

– Tưởng không biết chi hết. Té ra cũng biết được một hai điều …

Nhiều ngày chúng tôi lang thang như những đám mây, qua thung lũng và đồi vắng bặt như không còn có ai trên đời. Nàng như đã quên hẳn những tên hoa lá – tiếng líu lo của Nàng, chỉ nói với tôi về những cuốn phim mà Nàng ưa thích. Hóa ra Nàng thích toàn những phim buồn. Qua bao nhiêu đại tác phẩm của Hollywood, Nàng vẫn mê Pier Angeliqué trong cuốn phim xưa cũ “Demain, il sera trop tard”.

Chúng tôi ngồi nghỉ dưới một cây tùng. Nàng tựa đầu vào vai tôi. Trời gió nhẹ, mây trắng từng tảng dày sà xuống mặt đất, kéo đi như một đàn cừu. Tôi ghì chặt Nàng trong chiếc hôn sâu thẳm tận tiền kiếp. Nàng để yên gương mặt trong lòng bàn tay tôi, vâng theo nỗi mê đắm của tôi, có ý cho tôi hiểu rằng sắc đẹp của nàng giờ đây hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của tôi. Mây đã chiếm lĩnh hết mặt đất, lấp kín tầng cây thấp, mây ngập đến đầu gối tôi; cả Nàng và tôi như đang trôi dạt trong xứ sở của băng đảo. Cuối cùng, cả hai chúng tôi chìm đắm trong mây trắng. Qua màu mây, nhan sắc của Nàng mong manh lạ lùng, và vì thế, diễm lệ hơn bao giờ hết, như thể là Nàng không còng thuộc về cuộc đời này nữa. Nàng nép đầu vào vai tôi. Và tôi nghe tiếng Nàng vọng lại từ rất xa, tưởng như Nàng chơi trốn tìm với tôi trong những đám mây:

– Em là ai trong đời anh?

– Em là một ảo ảnh

Tôi đã có một giao ước riêng với chiến tranh, rằng tuổi trẻ của tôi đã dành sẵn cho cái chết, không còn khả năng gì để tìm kiếm hạnh phúc ở đời. Tôi siết trong vòng tay tấm thân run rẩy của Nàng, và tự nhiên thấy đau lòng khôn xiết.

 – Em sẽ giống cuộc đời dài vừa một ảo ảnh, chỉ để yêu anh mà thôi.

Nàng đăm đăm nhìn tôi, nói bằng giọng trang nghiêm mà tôi hiểu rằng người ta chỉ dùng để nói một vài điều nào đó trong cả đời người.

Rồi chiến tranh đã cuốn tôi và Nàng như lá bay, qua những phương trời …

___________

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here