10 ĐIỀU PHẢI NHỚ KHI ĐƯA CON ĐI CẤP CỨU

Đưa con đi cấp cứu là một trong những ác mộng mà không bố mẹ nào muốn trải qua. Nhưng như 90% bài viết ở Chăm con chuẩn Mỹ, chúng ta đều phải sẵn sàng khi vận đen ập đến. Vì an toàn của chính con cháu mình!

Qua những đêm trực ở Cấp cứu nhi, không đếm được bao nhiêu tình huống đã tới và bao nhiêu ánh mắt hoang mang, lo lắng, sợ hãi của cả cháu và bố mẹ, ông bà cháu nhìn các y bác sĩ. Có nhà bình thản. Có nhà hoảng loạn. Có nhà còn mang theo hẳn 1 nồi cháo gà to từ quê để ăn khi chờ cho đỡ phải ra quán xá lạ lẫm. Muôn màu muôn vẻ.

Qua những tình huống đó, chúng tôi – Chăm con chuẩn Mỹ muốn gửi tới các bố mẹ 10 điều cần biết khi đưa con đi cấp cứu:

  1. 🧐 LÊN SẴN KẾ HOẠCH TRONG ĐẦU

Trong tình huống nguy kịch, bạn phải gọi 115 và đến cơ sở y tế gần nhất có thể. Không bàn cãi! Không vượt tuyến! Bạn có thể hình dung sẵn cơ sở y tế gần nhất đó chứ?
Đó không cần là nơi có bác sĩ nhi. Chúng tôi làm được. Ít nhất là sẽ giúp trẻ ổn định hơn và sống sót trước khi chuyển an toàn tới Bệnh viện Nhi.

Nếu tình huống ít nguy kịch hơn, bệnh viện, khoa nhi (của tỉnh, của khu vực) là lựa chọn có phần vui vẻ và thân thiện hơn. Phần vì có bác sĩ chuyên khoa Nhi, phần vì môi trường, trang trí ở đó cũng thân thiện, giúp trẻ đỡ căng thẳng hơn.

  1. 👨‍⚕️GỌI BÁC SĨ NHI KHOA
    Nếu con bạn đang theo một bác sĩ nhi khoa từ trước, đừng ngần ngại gọi xin ý kiến bác sĩ qua điện thoại để có những lời khuyên đầu tiên. Nhưng tất nhiên, nếu nguy cấp, hãy tới viện gần nhất trước.
  2. 💊 CHO CON UỐNG HẠ SỐT GIẢM ĐAU TRƯỚC
    Bạn được phép cho con uống hạ sốt, giảm đau tại nhà với Paracetamol nếu con sốt hoặc đau đớn. Việc nhỏ này sẽ giúp con dễ chịu, bác sĩ dễ khám hơn. Nhớ là phải đúng liều và ghi lại thời gian cho con uống. Một trong các câu hỏi đầu tiên của các bác sĩ sẽ là: Mẹ cho hạ sốt lúc mấy giờ thế?
  3. 😉 BÌNH TĨNH VÀ TRẤN AN TRƯỚC CHO CON
    Nếu bố mẹ hoảng loạn, con sẽ cực kì lo lắng và kích thích. Với nhiều tình trạng bệnh, căng thẳng còn ảnh hưởng nặng nề hơn đau đớn. Trẻ dù tuổi nào cũng sẽ nhìn thái độ của bố mẹ để đoán hoàn cảnh. Hãy chia sẻ thật với con, là con đang ốm, con sắp phải đi viện, nhưng đừng sợ, bố mẹ và mọi người vẫn luôn ở bên con!
  4. 👶 ĐỂ ANH/CHỊ/EM CỦA TRẺ Ở NHÀ
    Nếu có thể, hãy gửi lại anh chị em của trẻ ở nhà cho ông bà hoặc họ hàng tin cậy trông nom, để tập trung lo cho trẻ khi đến viện. Không phải trông đứa còn lại và giảm nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện.
  5. 📘 MANG THEO ĐẦY ĐỦ CÁC SỔ KHÁM BỆNH
    và danh sách các thuốc đang dùng cho con (nếu có)
    Bạn sẽ được hỏi đi hỏi lại từ rất nhiều y bác sĩ các thông tin sau:
  • Bảo hiểm y tế
  • Tiền sử tiêm chủng
  • Tiền sử dị ứng
  • Bệnh lý trước đó
  • Phẫu thuật trước đó
  • Danh sách thuốc đang dùng (thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc ho, siro, vitamin, thực phẩm chức năng)
  • Diễn biến bệnh từ đầu đến lúc phải đi cấp cứu
  • Con ăn bữa gần nhất khi nào

Với một số bệnh (ví dụ: viêm tụy cấp, hay chờ đi chụp CT), y bác sĩ sẽ yêu cầu con nhịn ăn cho đến khi làm xong thủ thuật hoặc thăm dò (sẽ có truyền dịch bổ sung). Khi đó, hãy tránh ăn uống trước mặt con.

  1. ⚽️ MANG THEO ĐỒ ĐỂ TRẺ CHƠI
    Một con gấu bông, một quyển truyện hay một khẩu súng nhựa có thể giúp con bình tĩnh và dễ chịu hơn khi ở một nơi xa lạ.
  2. 🚑 NHỚ LÀ: CẤP CỨU KHÔNG PHẢI NƠI AI ĐẾN TRƯỚC ĐƯỢC LÀM TRƯỚC
    Chúng tôi có cách phân loại tiêu chuẩn quốc tế với các bệnh nhân đến cấp cứu. Có những trẻ cần xử lí ngay để cứu mạng, có những trẻ cần xử lí trong 5 phút, nhưng cũng có trẻ có thể xử lí trong vòng 1 giờ. Trẻ nguy kịch hơn sẽ được xử lí trước.
    Một trẻ chảy máu cam tóe máu có thể sẽ được xử lí sau khi cấp cứu một trẻ nằm im (vì hôn mê).
    Thêm nữa, nhiều vấn đề chúng tôi phải chờ xét nghiệm trả kết quả mới có thể xử trí thêm.
    Vì thế, khi phải chờ – hãy thấu hiểu và bình tĩnh!
    Muốn hỏi, hãy thật lịch sự và khiêm tốn!
  3. 🤓 MẸ HIỂU CON NHẤT – ĐỪNG NGẠI CHIA SẺ!
    Hơn ai hết, bố mẹ hiểu con nhất. Nếu linh cảm của bạn cho rằng con không ổn, hay con đang đau, hay con nhìn “là lạ”, hãy nói với y bác sĩ. Chúng tôi cực kì quan tâm đến linh cảm của phụ huynh và sẽ đánh giá lại, giải thích cho gia đình.
  4. 👨‍⚕️BÁO LẠI CHO BÁC SĨ NHI QUEN
    Nếu con đang theo một bác sĩ nhi trước đó, sau khi con được cấp cứu ổn định hoặc ra viện, hãy báo lại cho bác sĩ quen, để bác sĩ cập nhật về sức khỏe của bé con của mình. Thêm nữa:

☣ Dấu hiệu Nguy hiểm toàn thân theo IMCI (Integrated Management of Childhood Illness):

  • Trẻ không uống hoặc bú được.
  • Trẻ nôn tất cả mọi thứ.
  • Trẻ co giật.
  • Trẻ li bì khó đánh thức.
    ☣ Nếu có bất kì dấu hiệu nào trên: ĐI VIỆN NGAY!

BS. ĐỖ TIẾN SƠN
Từ Chăm con chuẩn Mỹ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here